Nâng cao nhận thức pháp luật cho công đoàn viên

30/05/2017 | 07:54 GMT+7

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên công đoàn là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với các tổ chức công đoàn. Việc công đoàn viên nắm bắt và hiểu rõ được các quy định pháp luật về lao động không chỉ đảm bảo quyền lợi cho chính mình, mà còn góp phần nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn.

Người lao động là đoàn viên công đoàn làm việc tại Doanh nghiệp tư nhân Tín Uy, thị xã Ngã Bảy.

Toàn tỉnh hiện có trên 48.000 công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, đa số đều tham gia vào các tổ chức công đoàn. Trong đó, công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm hơn 60%. Phần lớn người lao động đều có tuổi đời trẻ, trình độ không cao nên nhận thức và khả năng tiếp cận với các quy định pháp luật về lao động còn hạn chế.

Đã gắn bó hơn 6 năm với Doanh nghiệp tư nhân Tín Uy, thị xã Ngã Bảy, chị Trần Thị Ngọc Thu, ở phường Hiệp Thành, luôn tuân thủ kỷ luật lao động được công ty đặt ra, mặc dù vậy, chị vẫn còn khá mơ hồ về các quy định liên quan đến người lao động.

Chị Thu chia sẻ: “Do thời gian làm việc của tôi từ sáng đến chiều, về nhà lại phải chăm sóc con cái nên không có nhiều thời gian để theo dõi thông tin thời sự. Tuy vậy, mỗi khi có sinh hoạt hay tuyên truyền chính sách do công đoàn tổ chức là tôi đều tham dự, nghe cũng hiểu được một số quyền lợi của người lao động như được chủ doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, được nhận lương phải trên mức tối thiểu và mức thưởng theo Bộ luật Lao động; các quy định khác thì tôi chỉ biết sơ sơ”. 

Còn chị Nguyễn Hồng Út, đã làm việc tại đây hơn 3 năm, bộc bạch: “Tôi mới học hết lớp 6 nên để chủ động tìm hiểu pháp luật thì khá khó. Tuy vậy, khi đi làm thấy công đoàn trong công ty có các buổi sinh hoạt, tuyên truyền pháp luật tôi đều dành thời gian tham dự. So sánh với quyền lợi hiện nay về lương, thưởng tại công ty tôi thấy cũng đã đảm bảo đầy đủ theo quy định của Nhà nước”.

Doanh nghiệp tư nhân Tín Uy hiện có trên 400 công nhân lao động, trong đó đến 90% là lao động nữ. Bà Lâm Ngọc Liên, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tín Uy, cho biết: “Tôi luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp hoạt động. Với phần đông người lao động là nữ nên quy định về thời gian làm việc, chế độ thai sản luôn được công ty đặc biệt quan tâm. Trong đó, công ty vẫn đảm bảo thời gian nghỉ ngơi hợp lý cho người lao động theo quy định. 

Còn theo ông Bùi Nhật Trường, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Bảy, thời gian qua, Liên đoàn Lao động cũng đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền các quy định về bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động đến người lao động, đoàn viên trong các tổ chức công đoàn. “Đặc biệt, trong tháng công nhân này, chúng tôi đã tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu các quy định về Luật An toàn, vệ sinh lao động; đồng thời ra mắt tủ sách công đoàn đặt tại một số công ty có đông người lao động trên địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho anh chị em công nhân có thể tiếp cận các quy định của pháp luật”, ông Trường cho biết.

Bên cạnh đó, không chỉ đoàn viên công đoàn đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp mà ngay cả đoàn viên công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức cũng là những người cần được tuyên truyền sâu rộng các quy định pháp luật có liên quan.

Là đoàn viên công đoàn tại cơ quan, tham gia cổ vũ cho các đội dự thi tại Hội thi tìm hiểu Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn,… do Liên đoàn Lao động huyện Châu Thành tổ chức, chị Nguyễn Thị Kiều Oanh, công tác tại UBND huyện Châu Thành, nói: “Dù làm việc tại cơ quan nhà nước nhưng bản thân tôi thấy mình vẫn chưa thể nắm vững hết các quy định trong lĩnh vực lao động, vì vậy, thông qua hội thi là dịp để tôi có thêm nhiều thông tin về tổ chức công đoàn, các quy định về bảo hiểm xã hội hay nắm rõ hơn quyền và nghĩa vụ của công chức, viên chức để nâng cao hiểu biết cho bản thân và tuyên truyền đến những người xung quanh”.  

Thực tế hiện nay cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động trong các tổ chức công đoàn bên cạnh nhiều mặt thuận lợi cũng còn gặp phải một số khó khăn như: Nhiều cơ quan, doanh nghiệp chưa mặn mà với việc tổ chức các buổi tuyên truyền cho đoàn viên công đoàn; công tác tuyên truyền tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải tổ chức vào ngày thứ bảy, chủ nhật hay nhiều chủ sử dụng lao động và người lao động rất ít đối thoại với nhau dẫn đến không nắm bắt được tâm tư, tình cảm và nguyện vọng từ phía người lao động nên để xảy ra một số vụ lãng công, đình công.

Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị còn thiếu sự quan tâm trong công tác tuyên truyền dẫn đến việc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là công đoàn viên trong cơ quan có hành vi vi phạm về luật giao thông, vi phạm giờ giấc làm việc, chế độ công vụ…

Để hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các tổ chức công đoàn ngày càng có chiều sâu, việc cần làm là phải tăng cường sự kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị, công đoàn ngành để giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật thêm hiệu quả. Đồng thời, tăng cường việc đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên trong các tổ chức công đoàn hiểu và nắm vững các chính sách pháp luật để tuyên truyền cho người lao động biết, góp phần hình thành và nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>