Nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân

27/12/2017 | 08:04 GMT+7

Để đưa pháp luật vào cuộc sống cần phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) đối với cộng đồng, xã hội. Thực tiễn cho thấy, trong những năm qua, công tác này được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện đạt nhiều kết quả, tuy nhiên vẫn cần nhiều giải pháp hơn nữa để nâng chất.

Thông qua các hội thi tìm hiểu pháp luật sẽ giúp nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân.

Theo ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khi đời sống người dân ngày càng được nâng cao thì trình độ nhận thức nói chung và nhận thức về pháp luật nói riêng cũng được nâng lên. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các hội thi tìm hiểu pháp luật trên địa bàn tỉnh đã cho thấy, người dân ngày càng quan tâm hơn đến pháp luật và ý thức chấp hành, thực hiện pháp luật cũng có những tiến bộ rõ rệt.

Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu trình độ nhận thức pháp luật hạn chế. Hiện nay, tình trạng người dân tham gia các quan hệ dân sự nhưng không nắm vững quy định của pháp luật vẫn còn rất phổ biến trong cuộc sống; trên địa bàn tỉnh, số người tham gia giao thông đường bộ rất nhiều nhưng nhiều người trong số đó không biết hoặc chỉ biết rất ít về Luật Giao thông đường bộ.

Theo đánh giá của Công an tỉnh về tình hình tội phạm trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2017, tuy số tội phạm giảm (xảy ra 214 vụ, giảm 13,4%) nhưng tình hình tội phạm lại diễn biến phức tạp. Các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, hiếp dâm trẻ em vẫn xảy ra… Đặc biệt, hành vi vi phạm pháp luật về giao thông diễn ra rất phổ biến.

Về nguyên nhân, có thể thấy là do người dân còn thiếu hiểu biết về pháp luật. Trong đó, một bộ phận thanh thiếu niên có trình độ nhận thức pháp luật thấp. Do đó, số vụ vi phạm ở tuổi thành niên, vị thành niên thời gian qua phức tạp. Tại một số địa phương, có tình trạng thanh thiếu niên bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, ăn chơi dẫn đến phạm pháp với các hành vi như nghiện ma túy, trộm cắp tài sản…

Còn theo Sở Tư pháp, những hạn chế về ý thức pháp luật của người dân xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết là nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc; công tác TTPBGDPL cho người dân cũng chưa toàn diện, sâu rộng và hiệu quả chưa cao. Thời gian qua, nhiều luật mới được ban hành hoặc sửa đổi mà người dân chưa kịp cập nhật hoặc chưa nắm được.

Một nguyên nhân khác được chỉ ra là do ý thức của người dân trong việc tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật hiện nay còn rất thấp. Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho rằng: “Mọi người đều có thể biết sơ về các quy định của pháp luật nhưng nếu không tìm hiểu, nghiên cứu thì không thể biết được một cách cụ thể. Người dân thường có thói quen là khi gặp sự cố cần đến pháp luật thì mới nghiên cứu, tìm tòi. Điều này khiến cho nhận thức pháp luật trong người dân trở nên hạn chế”.

Để nâng cao ý thức pháp luật trong dân, theo ông Nguyễn Văn Bé, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Trước hết là phải nâng cao hiểu biết pháp luật thông qua các biện pháp TTPBGDPL. Giải pháp căn bản nhất vẫn là nâng cao trình độ nhận thức của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc giáo dục pháp luật cần phải có phương pháp làm sao giúp người dân quan tâm hơn để có thái độ đúng đắn và đấu tranh chống các biểu hiện phạm pháp. Muốn vậy, phải thực hiện tốt việc TTPBGDPL dưới mọi hình thức, đồng thời phải kết hợp giáo dục ý thức pháp luật với giáo dục đạo đức. Ngoài ra, cần nghiêm khắc xử lý vi phạm pháp luật; mọi hành vi vi phạm đều phải được xem xét kỹ lưỡng, xử lý kịp thời để răn đe thì mới có thể nâng cao ý thức chấp hành nghiêm luật pháp.

Theo Sở Tư pháp, toàn tỉnh hiện có 384 câu lạc bộ pháp luật, 1.217 tủ sách pháp luật, trong năm 2017, các địa phương đã tổ chức 19.321 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phát hành trên 12.700 tờ tuyên truyền pháp luật đến với người dân. Bên cạnh đó, các tổ hòa giải cơ sở đã hòa giải thành trên 700 vụ việc; lực lượng công an cũng đã tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục cho 3.343 trường hợp nghi vấn phạm pháp, góp phần phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật tại nhiều địa phương.

 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>