Nâng chất công tác phổ biến pháp luật

19/06/2019 | 09:06 GMT+7

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của người dân. Song hoạt động này cũng còn lắm... bộn bề, khó khăn, bất cập và cần có những giải pháp căn cơ.

Người dân tham gia một buổi tuyên truyền PBGDPL tại phường I, thành phố Vị Thanh.

Trong điều kiện các quy phạm pháp luật được ban hành ngày càng nhiều, nội dung đa dạng, điều chỉnh nhiều quan hệ xã hội phục vụ quá trình phát triển thì hoạt động PBGDPL phải thật sự đáp ứng yêu cầu cần thiết trong tình hình mới.

Đối với Hậu Giang, phải thừa nhận một thực tế là công tác PBGDPL ở nhiều nơi vẫn còn mang tính phong trào, chưa đi sâu vào những nội dung pháp luật mà người dân cần. Đặc biệt là hình thức PBGDPL mặc dù đã được áp dụng khá đa dạng, phong phú song chưa thật sự thu hút được nhiều đối tượng.

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, hiệu quả của công tác PBGDPL chính là việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị, cơ quan, của cộng đồng, doanh nghiệp, người dân - những người trực tiếp tham gia các quan hệ xã hội do pháp luật điều chỉnh.

“Việc PBGDPL phải là một quá trình liên tục, thường xuyên, các cấp, các ngành phải trực tiếp tham gia với nhiều phương thức tuyên truyền cụ thể, sinh động. Có như vậy thì hiệu quả công tác PBGDPL mới rõ ràng, bền vững”, ông Bé nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tư pháp, thực tế việc huy động nguồn lực, tạo điều kiện cho công tác PBGDPL chưa được tiến hành đồng bộ, rộng khắp, còn nhiều khoảng trống trong công tác PBGDPL. Cùng với đó là sự thiếu hụt cả về số lượng, chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở nhiều nơi, nhất là ở cơ sở, vùng sâu.

Toàn tỉnh hiện có 1.275 báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật, trong đó cấp tỉnh có 107 người, cấp huyện có 178 người, cấp xã có 990 người. Tuy nhiên, số lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thật sự hoạt động hiệu quả, đạt chất lượng tốt chỉ chiếm ít, nhất là tuyến cơ sở. Rất nhiều báo cáo viên pháp luật chỉ có tên trên danh sách, còn thực hiện hoạt động PBGDPL thì rất hạn chế.

Khắc phục thực tế này không dễ nếu đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vẫn chỉ hoạt động bán chuyên trách trong khi chưa có cơ chế quản lý, sử dụng và ưu đãi.

Luật PBGDPL năm 2013 có quy định cụ thể về báo cáo viên pháp luật. Cùng với đó là những cộng tác viên bao gồm cả các luật sư, trợ giúp viên pháp lý, hòa giải viên các cấp… Tuy nhiên, mức độ tham gia, hay việc đánh giá chất lượng hoạt động trong quá trình PBGDPL cũng như việc thu hút tham gia hoạt động này không rõ ràng, khó kiểm soát. Hầu hết là tự hoạt động, cuối năm thì thống kê, báo cáo còn hiệu quả, chất lượng thực chất thì rất khó kiểm tra.

Để khắc phục hạn chế này, ngoài việc cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PBGDPL thì yếu tố kinh phí đầu tư cho PBGDPL cũng hết sức quan trọng. Hiện kinh phí dành cho hoạt động PBGDPL ở các địa phương còn hết sức khiêm tốn; tùy theo từng địa phương mà nguồn kinh phí cho hoạt động này ít hoặc nhiều khác nhau.

Sơ kết công tác nội chính 6 tháng đầu năm 2019 vừa qua, bà Trần Phượng Quyên, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, nhận định, việc thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL hiện còn gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, kinh phí phục vụ công tác PBGDPL còn hạn chế. Hiện một số đơn vị, xã, phường, thị trấn có bố trí kinh phí nhưng rất ít; không ít địa phương bố trí nhưng thực hiện không hiệu quả, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác này.

Đầu tư cho PBGDPL chính là đầu tư nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về pháp luật và là đầu tư cho phát triển. Do đó, để Luật PBGDPL nói riêng và công tác PBGDPL nói chung phát huy hiệu quả, đi vào chiều sâu, cần phải có sự gắn kết giữa PBGDPL và tổ chức thi hành pháp luật, thực hiện phổ biến, giáo dục, vận động đội ngũ cán bộ, công chức, người dân nâng cao ý thức tìm hiểu và chấp hành luật pháp.

Bên cạnh đó, cũng nên củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hướng về cơ sở, phù hợp với đối tượng, địa bàn. Cần chú ý tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình xây dựng, nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả; tạo cơ chế thực hiện xã hội hóa PBGDPL để giảm gánh nặng từ phía Nhà nước về công tác này…

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>