Nhiều cách phổ biến pháp luật hiệu quả

20/11/2018 | 07:56 GMT+7

Sau 5 năm thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam (2013-2018), Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều cách làm, mô hình hay trong công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức người dân trong việc sống và làm việc theo pháp luật.

Một buổi sinh hoạt hưởng ứng Ngày pháp luật do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh và Sở Tư pháp phối hợp tổ chức.

Từ năm 2013, huyện Châu Thành A đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội thi tuyên truyền pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa và nhận được phản hồi tốt trong dân. Theo đó, hàng quý, đơn vị sẽ tổ chức các buổi sinh hoạt thông qua những cuộc thi, buổi chiếu phim, tình huống pháp luật, diễn văn nghệ với nhiều chủ đề nổi bật, thiết thực và gần gũi với đời sống, bám sát nội dung cơ bản của Hiến pháp và các luật như: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Giao thông đường bộ…

Ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành A, cho hay, năm đầu thực hiện mô hình này, cán bộ tư pháp còn bỡ ngỡ. Lâu dần, các hình thức sân khấu hóa trở nên quen thuộc. Những tiểu phẩm vừa có nội dung tuyên truyền pháp luật vừa xen lẫn yếu tố hài hước, giải trí nên người dân trông chờ, xem như món ăn tinh thần.

“Qua từng năm, lượng người dân đến xem, tham gia các buổi sinh hoạt, tìm hiểu về pháp luật ngày càng tăng. Đó là động lực để huyện Châu Thành A duy trì và phát huy những mô hình tuyên truyền pháp luật phù hợp thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn”, ông Đáp nhấn mạnh.

Những năm qua, Tỉnh đoàn đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức thành công nhiều chương trình giao lưu giáo dục ý thức công dân và sinh hoạt “Ngày pháp luật” tại các điểm trường: THPT Chuyên Vị Thanh, Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, Trung cấp Luật Vị Thanh… Hoạt động tuyên truyền được triển khai với hình thức tọa đàm; gặp gỡ đối thoại trực tiếp, giải đáp những thắc mắc của học sinh, sinh viên; sân khấu hóa, tổ chức phiên tòa giả định...

Bên cạnh đó, mô hình “Ngày pháp luật” cũng được nhiều địa phương, đơn vị lồng ghép vào các đợt sinh hoạt, học tập nhằm triển khai một số điểm quan trọng trong các văn bản pháp luật. Đây là hình thức tuyên truyền phát huy tinh thần tự giác tìm hiểu pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân theo phương châm “Cán bộ biết pháp luật để thực thi pháp luật, Nhân dân hiểu pháp luật để chấp hành pháp luật”.

Tại xã Đông Phú, huyện Châu Thành, mô hình “Ngày pháp luật” được triển khai từ 5 năm qua. Ông Nguyễn Tấn Xuyên, cán bộ tư pháp xã Đông Phú, chia sẻ: “Để thu hút Nhân dân đến tham gia học tập và tìm hiểu pháp luật, bên cạnh chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tốt thì việc lựa chọn văn bản tuyên truyền phù hợp với nội dung Nhân dân quan tâm là vô cùng quan trọng”.

Cũng theo ông Xuyên, khi thời gian tổ chức tuyên truyền hợp lý, đúng đối tượng, địa điểm... thì việc phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ đạt kết quả cao.

Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, các hòa giải viên còn linh hoạt vận dụng để tuyên truyền, phổ biến, đưa pháp luật ngày càng gắn với đời sống sinh hoạt của người dân. Đáng nói là hiện nay, mạng lưới hòa giải viên trên địa bàn 8 huyện, thị, thành phố trong tỉnh, với hơn 3.000 người có tâm huyết, uy tín ở khắp cộng đồng dân cư. Đây là nhân tố quan trọng tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân.

Ngoài ra, nhiều sở, ban, ngành, địa phương còn thường xuyên lồng ghép tuyên truyền với phát động các đợt cao điểm, tháng cao điểm trong việc thực hiện, chấp hành pháp luật. Có nơi tổ chức cho Nhân dân ký cam kết gia đình không có thành viên vi phạm pháp luật, tham gia giao thông an toàn (huyện Châu Thành, thành phố Vị Thanh); xây dựng các điểm sáng về chấp hành pháp luật ở cộng đồng dân cư (thị xã Long Mỹ).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền pháp luật trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn. Trong đó, vấn đề mà các đơn vị thường gặp phải là cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chế độ bồi dưỡng, chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền. Ngoài ra, một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác phối hợp tuyên truyền pháp luật…

Trước thực tế đó, bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, cho rằng, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục củng cố và tập trung xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có chất lượng. Theo đó, tuyển chọn những người có phẩm chất, năng lực, trình độ, có khả năng tuyên truyền, giáo dục hoặc hòa giải tốt, nhiệt tình say mê với công tác tuyên truyền pháp luật.

Mặt khác, đặc biệt chú trọng việc rà soát, phân loại, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và định hướng nội dung giáo dục pháp luật cho đội ngũ này. Tiếp tục đổi mới nội dung tuyên truyền theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật mà còn phải gắn với thực tiễn. Đồng thời, nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở vì đây là hình thức vừa có tác dụng giáo dục cao vừa phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>