Nhiều chính sách mới được áp dụng

09/01/2018 | 07:32 GMT+7

Quy định về chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, tạm giam; chế độ dành cho lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy hay quy trình mở niêm phong vật chứng,... là những quy định mới của Chính phủ sẽ có hiệu lực từ tháng 1-2018.

Từ ngày 1-1-2018, lực lượng phòng cháy, chữa cháy tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ sẽ được hưởng các chế độ theo Nghị định 83/2017 của Chính phủ.

Người bị tạm giữ, tạm giam được đảm bảo về ăn uống, trang phục

Nghị định 120/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực từ đầu năm 2018 đã cụ thể hóa các quy định về chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế và các chế độ liên quan đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bao gồm cả người nước ngoài.

Cụ thể, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng quần, áo, chăn, chiếu, màn và các đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt của cá nhân, nếu thiếu thì cơ sở giam giữ cho mượn theo tiêu chuẩn mỗi người. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh của phụ nữ. Cơ sở giam giữ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam mượn quần áo theo mẫu thống nhất, áo kiểu dài tay, quần dài có chun, không đóng số, màu xanh lam.

Về chế độ ăn, Nghị định 120 nêu rõ, định mức ăn trong 1 tháng của người bị tạm giam gồm 17kg gạo tẻ loại trung bình, 0,5kg đường loại trung bình, 15kg rau... Định mức ăn của người bị tạm giữ, tạm giam nếu ốm đau, bệnh tật, thương tích do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định theo chỉ định của cơ sở y tế điều trị.

Người bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hưởng thêm 30% định lượng về thực phẩm. Người sinh con khi bị tạm giữ, tạm giam được thanh toán viện phí và bồi dưỡng bằng hiện vật.

Theo Nghị định 120/2017, chế độ ăn đối với người bị tạm giữ, tạm giam là người nước ngoài thực hiện như trên. Nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó; trường hợp vì lý do đối ngoại khác sẽ do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.

Nhiều chế độ đối với lực lượng phòng cháy, chữa cháy

Nghị định số 83/2017 của Chính phủ về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy quy định rõ các chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng cháy và chữa cháy khi tham gia cứu nạn, cứu hộ.

Theo đó, người được huy động tham gia cứu nạn, cứu hộ, cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành khi tham gia các hoạt động cứu nạn, cứu hộ thì được hưởng các chế độ, chính sách như khi tham gia chữa cháy quy định tại Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên, công nhân công an thuộc lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngoài việc được hưởng chế độ, chính sách theo quy định đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh sát còn được hưởng các chế độ định lượng ăn cao, bồi dưỡng khi tập luyện, khi cứu nạn, cứu hộ; được hưởng các chế độ, chính sách như đối với người làm các ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại theo quy định của pháp luật.

Đối với người trực cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ trực ban đêm (bắt đầu từ 22 giờ) theo mức hưởng quy định tại khoản 1, Điều 18, Nghị định số 30/2017 quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Nghị định cũng quy định chế độ đối với người được huy động làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ theo mức hưởng quy định tại điểm a và b, khoản 1, Điều 19 Nghị định số 30/2017.

Người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được huy động thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quyết định của cấp có thẩm quyền được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, được thanh toán phụ cấp đi đường và tiền tàu xe, khi làm việc trong môi trường độc hại và nơi có phụ cấp khu vực, được hưởng theo chế độ hiện hành.

Cũng theo nghị định, trường hợp người tham gia cứu nạn, cứu hộ khi làm nhiệm vụ cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân, nếu bị thương, hy sinh thì được xem xét để hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Thủ tục niêm phong, mở niêm phong các loại vật chứng

Chỉ thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng khi có yêu cầu phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền là những quy định trong Nghị định số 127/2017 của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 1-2018.

Cụ thể, một vật chứng có thể thực hiện niêm phong, mở niêm phong một hoặc nhiều lần. Sau mỗi lần mở niêm phong, khi kết thúc sử dụng vật chứng phải niêm phong lại theo đúng trình tự, thủ tục quy định và gửi về nơi bảo quản vật chứng theo quy định của pháp luật.

Khi tổ chức niêm phong vật chứng, người tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng phải mời hoặc triệu tập người tham gia niêm phong vật chứng. Trong trường hợp người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong bị mất năng lực hành vi theo quy định của pháp luật hoặc đã chết, thì người tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng mời người thân thích hoặc người đại diện hợp pháp của họ tham gia niêm phong vật chứng.

Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng cần niêm phong là bị can, bị cáo đang bị tạm giữ, tạm giam thì khi niêm phong, người tổ chức thực hiện niêm phong mời người thân thích của họ hoặc người bào chữa của họ (nếu có) hoặc đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tổ chức niêm phong vật chứng chứng kiến.

Đối với vật chứng cần điều kiện bảo quản đặc biệt như chất độc, chất phóng xạ, chất nổ, chất cháy,… bộ phận cơ thể người và các mẫu vật khác của cơ thể người hoặc vật chứng khác có tính chất tương tự phải có sự tham gia của cơ quan chuyên môn khi thực hiện niêm phong vật chứng. Trường hợp cơ quan chuyên môn chưa đến kịp mà xét thấy cần phải niêm phong ngay để bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng thì vẫn có thể thực hiện niêm phong vật chứng nhưng phải bảo đảm an toàn.

Đối với vật chứng không thể niêm phong được tại hiện trường thì phải niêm phong từng phần hoặc những phần quan trọng, sau đó đưa về địa điểm do cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ án quyết định để tiến hành niêm phong theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại nghị định này.

ĐÌNH BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>