Nhiều điểm mới trong Luật Trẻ em

06/06/2017 | 08:23 GMT+7

Luật Trẻ em được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5-4-2016 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-2017 với nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung so với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Để hiểu rõ hơn về các quy định này, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Võ Phú Cường (ảnh), Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh. Ông Cường cho biết:

- Luật Trẻ em năm 2016 gồm 7 chương, 106 điều (tăng 46 điều), có hiệu lực từ ngày 1-6-2017. Luật quy định cụ thể về các quyền và bổn phận của trẻ em; sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; các biện pháp bảo vệ trẻ em 3 cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Đồng thời quy định việc chăm sóc thay thế cho trẻ, trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, các hành vi vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm…

Xin ông cho biết cụ thể hơn về những điểm mới này ?

- Theo tôi, những điểm mới trong Luật Trẻ em năm 2016 có thể được khái quát như sau: Về khái niệm, luật quy định “trẻ em là người dưới 16 tuổi”, nghĩa là không giới hạn trẻ em là công dân Việt Nam mà đối tượng áp dụng của luật còn bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Trong luật có 11 khái niệm được giải thích rõ, như các khái niệm về phát triển toàn diện của trẻ em, chăm sóc thay thế, xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Luật Trẻ em cũng quy định 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và bổ sung các nhóm mới như: Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, lánh nạn, tị nạn.

So với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, quy định trẻ em có 10 quyền thì trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 và Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em, Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định 25 quyền của trẻ em. Cụ thể như quyền sống; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục; quyền được đảm bảo an sinh xã hội; quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội…

Bên cạnh đó, Luật Trẻ em năm 2016 đã có hẳn một chương về bảo vệ trẻ em và quy định cụ thể các nội dung về cấp độ bảo vệ trẻ em so với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Đối với các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đã được quy định cụ thể, cùng với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em.

Luật cũng quy định các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở cả ba cấp độ, không chỉ dừng lại ở việc chỉ can thiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trước đây. Ngoài ra, cũng theo quy định của luật, các cơ quan được giao thẩm quyền sẽ có trách nhiệm thành lập một tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em trên cơ sở Đường dây nóng quốc gia bảo vệ trẻ em hiện nay là 18001567. 

Để Luật Trẻ em đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, về phía ngành đã có những phương hướng, giải pháp nào, thưa ông ?

- Chúng tôi đã có kế hoạch tham mưu UBND tỉnh trong việc ban hành các chương trình, đề án, chủ trương, chính sách thực hiện các quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, chúng tôi sẽ chú trọng công tác tuyên truyền luật, hoàn thiện bộ máy cán bộ làm công tác trẻ em, công tác phối hợp liên ngành.

Mặt khác, với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trên cơ sở chức năng được giao sẽ có trách nhiệm thực hiện và tham gia phối hợp liên ngành nhằm đảm bảo theo các quy định của luật. Về phía UBND cấp huyện, xã cũng cần tổ chức công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, nhân dân và trẻ em về luật. Bên cạnh đó, chú trọng việc củng cố, nâng chất đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, xây dựng mạng lưới cộng tác viên trẻ em ở cộng đồng dân cư; thành lập các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em…

Một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Trẻ em là: Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn; sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em; bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em...

 

Xin cảm ơn ông !

ĐÌNH BẢO thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>