Nhiều giải pháp gỡ khó cho thi hành án dân sự

20/08/2020 | 09:48 GMT+7

Ban Pháp chế HĐND tỉnh vừa tổ chức giám sát đối với ngành thi hành án dân sự (THADS) tỉnh về công tác THADS. Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng ghi nhận nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác này cần quan tâm tháo gỡ.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức giám sát tại Cục THADS tỉnh.

Thi hành án đạt thấp

Ông Lê Phước Toàn, Cục trưởng Cục THADS tỉnh, cho biết, năm 2020 (tính từ ngày 1-10-2019) là năm có khá nhiều khó khăn với công tác THADS Hậu Giang do những tồn tại khách quan nói chung như tình hình dịch Covid-19 và thực tế địa phương khi số tiền thụ lý giải quyết tăng 2,62% so năm 2019, cùng với đó là biên chế rất ít.

Theo ông Toàn, dù ngành đã nỗ lực trong giải quyết những vụ việc nổi cộm, kéo dài bằng việc kiên quyết tổ chức cưỡng chế, kê biên tài sản để buộc các đối tượng phải thi hành án nhưng 9 tháng đầu năm, toàn ngành chỉ mới giải quyết đạt 51,2% về việc và 16,07% về tiền. Trong đó, có một số trường hợp tài sản bị kê biên, bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua, hoặc đã bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản, từ đó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng công tác thi hành án.

Chia sẻ với đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, ông Lê Văn Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Vị Thanh, cho biết: “Trong công tác THADS hiện nay có hai lĩnh vực được xem khá khó là các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng và thi hành án đối với phần trách nhiệm dân sự của người phải thi hành án đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam”.

Theo ông Hoàng, sở dĩ hai lĩnh vực này được xem là khó và phức tạp bởi một số trường hợp các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhận tài sản thế chấp là bất động sản nhưng lại định giá quá cao, đến khi kê biên bán đấu giá thì không bán được hoặc bán kéo dài; hay trong quá trình xử lý tài sản lại phát sinh tranh chấp tài sản chung, dẫn đến việc tồn đọng án.

Còn với các vụ thi hành án liên quan đến đối tượng đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, thông thường, các đối tượng này thường không có tài sản để bồi thường thiệt hại về mặt dân sự, hoặc khi chấp hành án tù xong, họ rời khỏi địa phương nên khó tổ chức thi hành án.

Cũng tại buổi làm việc với đoàn giám sát, đại diện Cục THADS tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận năng lực, trình độ của một số chấp hành viên còn hạn chế. Theo bà Lê Thị Cẩm Tú, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, thời gian qua, một số chấp hành viên chưa chủ động, tích cực trong công việc; kỹ năng, nghiệp vụ còn yếu, nhất là kỹ năng xác minh, tổ chức, rà soát và phân lại án, do đó trong quá trình thi hành án để xảy ra sai sót, ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án.

Đề ra nhiều giải pháp

Cục trưởng Cục THADS tỉnh Lê Phước Toàn cho rằng, hiện nay, số việc một chấp hành viên phải giải quyết ngày càng tăng là áp lực lớn đối với ngành THADS trong đảm bảo chỉ tiêu cấp trên giao và thi đua trong nội bộ. Đồng thời, có quy định pháp luật về tổ chức thi hành án vẫn còn bất cập, chồng chéo; người bị thi hành án vẫn tìm mọi cách kéo dài việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý...

Một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục khó khăn, hạn chế trên là tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ cho các chấp hành viên để mỗi chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc án đúng quy trình, đảm bảo vụ việc án phải được xác minh phân loại đúng.

“Về lâu về dài, cục sẽ phối hợp với địa phương củng cố, kiện toàn về tổ chức, cán bộ các cơ quan THADS trong tỉnh theo quy định; có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác THADS, nhất là cán bộ chủ chốt có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, phẩm chất đạo đức đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác THADS. Đồng thời, cục sẽ tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý, khắc phục kịp thời các sai phạm”, ông Lê Phước Toàn nhấn mạnh.

Tại buổi giám sát, Trưởng Đoàn giám sát, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Trương Thanh Bình đề nghị ngành THADS có giải pháp cụ thể để khắc phục, giải quyết nhanh những khó khăn, tồn tại nêu trên; đặc biệt tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thi hành công vụ; tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, phấn đấu đạt tỷ lệ cao các chỉ tiêu do Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS giao.

“Đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, tôi cho rằng đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch giải quyết, báo cáo cấp ủy, chính quyền, trưởng ban chỉ đạo THADS các cấp để có hướng giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng gây bức xúc trong Nhân dân”, ông Bình nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>