Nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng vặt

05/06/2018 | 08:11 GMT+7

Tham nhũng vặt hiện nay được nhận diện là một trong những nguyên nhân chính làm giảm sút niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan nhà nước. Tại buổi tọa đàm “Tham nhũng vặt, thực trạng và giải pháp phòng, chống” do Ban Nội chính Trung ương tổ chức tại Hậu Giang vừa qua, phóng viên Báo Hậu Giang đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Ông Trần Quốc Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hậu Giang

- Thực tiễn cho thấy, ngoài những vụ việc tham nhũng đã được phát hiện và xử lý, trong xã hội chúng ta còn phải đối mặt với những hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng nhỏ, mức độ thất thoát ngân sách nhà nước không lớn, không ảnh hưởng nhiều đến dư luận nhưng vẫn xảy ra hàng ngày, trong từng cơ quan, đơn vị chưa được phát hiện, đó là “tham nhũng vặt”.

Đối với Hậu Giang, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, tuy nhiên, có một thực tế rằng, tại Hậu Giang hiện vẫn còn xảy ra tình trạng tham nhũng vặt với hình thức đa dạng và khó phát hiện. Có thể kể đến một số cơ quan, lĩnh vực nhạy cảm thường xảy ra như: Bộ phận một cửa; đơn vị thẩm định ở các lĩnh vực cấp phép; cơ quan thuế; quản lý thị trường; tín dụng ngân hàng, hay mua sắm tài sản, văn phòng phẩm. 

Chúng tôi nhận thấy rằng, nguyên nhân chủ yếu xảy ra từ việc tại một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; sự thoái hóa, biến chất của một số cán bộ, công chức, viên chức... Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức của người dân và đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa thực sự hiệu quả; việc cải cách hành chính vẫn còn chậm và lúng túng, chế độ tiền lương thấp…

Để khắc phục được những hạn chế, chúng tôi cho rằng con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất, do đó cần phải quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng tốt yêu cầu của người dân và doanh nghiệp; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như tăng cường việc công khai, minh bạch và cải cách hành chính để qua đó hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tham nhũng vặt.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Tháp

- Thời gian qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm của hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Đồng Tháp đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, qua rà soát, cũng như phản ánh của người dân, doanh nghiệp, đơn vị cũng ghi nhận tình trạng, hiện tượng hạch sách, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt tại một số nơi như: UBND cấp xã có hiện tượng giả mạo, gian dối để lấy tiền chính sách; ngành giáo dục thì xảy ra chạy trường, chạy lớp; ngành y tế thì có việc lo lót, bồi dưỡng cho bác sĩ; trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng thường phát sinh thêm một số khoản chi phí không chính thức…

Nguyên nhân của tình trạng này có thể thấy xuất phát từ việc cải cách hành chính còn chậm, cơ chế xin cho trong hoạt động công vụ vẫn còn phổ biến; một bộ phận không nhỏ người dân và doanh nghiệp xem việc quà cáp, lót tay là hiển nhiên, bình thường; sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ dễ bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất,… dẫn đến tình trạng tham nhũng vặt chưa được ngăn chặn.

Để hạn chế tình trạng này, tôi cho rằng thời gian tới, chúng ta cần phải quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị minh bạch trên các lĩnh vực, nhất là về tài sản, thu nhập; đồng thời phải luôn tập trung lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát, nhất là chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối với công tác phòng, chống tham nhũng; xử lý kịp thời đơn thư tố cáo của công dân có liên quan đến tiêu cực, tham nhũng để từ đó góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tham nhũng xảy ra. 

Bà Phùng Thị Ngọc Rạng, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Kiên Giang

- Hiện nay, chúng tôi thấy rằng, tình trạng tham nhũng vặt đang gây hậu quả cho xã hội, làm biến dạng các hoạt động đúng đắn của bộ máy, làm cho chi phí của người dân, doanh nghiệp gia tăng, tác động tiêu cực đến khối đại đoàn kết dân tộc.

Đối với Kiên Giang, năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp hạng 20/63 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó, tính minh bạch ở vị trí 57/63, một số chỉ số thành phần của tính minh bạch và chi phí không chính thức thể hiện nạn “tham nhũng vặt” vẫn đáng lo ngại, ví dụ như: Có đến 89% doanh nghiệp được khảo sát trên địa bàn tỉnh cho rằng các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được, 72% cần có mối quan hệ để có được các tài liệu của tỉnh; 56% cho rằng công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi chi trả chi phí không chính thức và 57% cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính là phổ biến.

Để khắc phục tình trạng trên, đối với Kiên Giang, chúng tôi cũng đã đề ra một số giải pháp, đó là: Phải tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt đến với người dân để người dân, doanh nghiệp không đồng lõa, không tiếp tay cho cán bộ, công chức thực hiện hành vi này. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tố cáo các hành vi tham nhũng vặt và có cơ chế bảo vệ người tố cáo. Ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng xử lý nghiêm hơn đối với cán bộ, công chức có vi phạm chứ không xử lý qua loa nhằm răn đe mạnh mẽ đối với người vi phạm. 

Tham nhũng vặt là gì ?

Theo Ban Nội chính Trung ương, hiện nay, tham nhũng ở nước ta diễn biến khá phức tạp, mức độ rất khác nhau, có tham nhũng lớn, tham nhũng nhỏ (tham nhũng vặt) lộ diện, nhưng đến nay vẫn chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu hay một khái niệm chính thống về “tham nhũng vặt”. Tuy nhiên, qua đúc kết trong quá trình phòng, chống đối với loại tham nhũng này, Ban Nội chính Trung ương cho rằng: Tham nhũng vặt chính là hành vi của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền của Nhà nước lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, trong cung cấp dịch vụ công,… nhằm buộc hoặc gợi ý doanh nghiệp, người dân phải lo lót vì mục đích cá nhân. Đặc trưng của loại tham nhũng này là giá trị vật chất không lớn, thường chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên nó xảy ra phổ biến, gần như trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

Đ.BẢO ghi nhận 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>