Nhiều quy định có hiệu lực từ tháng 6

07/06/2020 | 18:42 GMT+7

Bắt đầu từ đầu tháng 6, nhiều quy định, chính sách có hiệu lực, trong đó có các quy định về thi hành án hình sự và chấp hành xong án phạt tù...

Nghị định 49/2020 quy định người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp dưới 3 tháng được miễn, giảm học phí.

Quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự

Có hiệu lực từ ngày 5-6, Nghị định số 59 ban hành ngày 27-5-2020 của Chính phủ quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự.

Cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự do Bộ Công an thống nhất quản lý là một bộ phận của hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin phòng, chống tội phạm nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành án hình sự.

Nghị định nêu rõ có 2 hình thức khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự gồm: Qua mạng máy tính nội bộ; bằng văn bản hoặc phiếu đề nghị cung cấp.

Cơ quan tham gia xây dựng, thu thập, cập nhật thông tin và duy trì cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự được quyền khai thác dữ liệu về thi hành án hình sự thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu cung cấp thông tin về người, pháp nhân thương mại chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp trong cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước và Luật Lưu trữ.

Tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù

Nghị định số 49/2020 được Chính phủ ban hành ngày 17-4 quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng có hiệu lực kể từ ngày 15-6-2020.

Nghị định nêu rõ, người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 3 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trường hợp người chấp hành xong hình phạt tù không thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng này.

Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Nghị định số 44/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại được Chính phủ ban hành ngày 8-4 quy định các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân thương mại.

Theo đó, pháp nhân thương mại không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án sau: Phong tỏa tài khoản; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền bảo đảm thi hành cưỡng chế biện pháp tư pháp (kê biên tài sản); tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử; tạm giữ hoặc thu hồi con dấu của pháp nhân thương mại.

Việc thực hiện cưỡng chế được thực hiện theo các nguyên tắc: Chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền; thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế để bảo đảm thi hành án không quá thời hạn chấp hành hình phạt theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật; thời hạn bảo đảm thi hành biện pháp tư pháp được xác định khi biện pháp tư pháp được thi hành xong.

Nghị định số 44 cũng quy định các loại tài sản không được kê biên để cưỡng chế thi hành án là: Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức; số thuốc phục vụ phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động; Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này nếu không phải là tài sản để kinh doanh; Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

Tự ý cho thuê ô tô công, phạt đến 20 triệu đồng

Thông tư số 29/2020 hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công được Bộ Tài chính ban hành ngày 17-4-2020.

Khoản 1 Điều 6 Thông tư nêu rõ, việc cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội sử dụng tài sản công vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thì xử phạt theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2019. Đồng thời quy định, cơ quan, tổ chức cho thuê xe ô tô công sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Với cùng hành vi vi phạm, nếu do cá nhân thực hiện sẽ bị phạt tiền bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức, tương đương mức phạt từ 5-10 triệu đồng.

Không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non

Thông tư số 09/2020 về ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 7-5-2020 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 22-6-2020.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Quy chế ban hành kèm theo Thông tư này là việc không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non. Vì theo Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 đã nâng trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên mầm non tối thiểu là từ trình độ cao đẳng trở lên. Điều này đồng nghĩa với việc, từ ngày 1-7-2020, toàn bộ giáo viên mầm non hạng IV đều phải có trình độ chuẩn được đào tạo là cao đẳng trở lên.

 

T.THỨC tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>