Nhiều quy định mới có hiệu lực từ đầu năm 2018

08/12/2017 | 07:51 GMT+7

Tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV đã thông qua 12 dự án luật, trong đó nhiều luật có nội dung quan trọng sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.

Quang cảnh buổi triển khai Luật Trợ giúp pháp lý được UBND tỉnh tổ chức.

Mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý

Đây được xem là thay đổi quan trọng trong Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017, so với Luật TGPL năm 2006, diện người được TGPL được mở rộng (từ 6 đối tượng lên 14 đối tượng).

Theo đó, 2 đối tượng kế thừa hoàn toàn từ Luật TGPL năm 2006 là người thuộc hộ nghèo và người có công với cách mạng; 2 đối tượng kế thừa và mở rộng là trẻ em không nơi nương tựa thành tất cả trẻ em, người dân tộc thiểu số “thường trú” thành “cư trú” tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (cư trú sẽ rộng hơn thường trú vì cư trú bao gồm thường trú và tạm trú).

Bổ sung thêm 2 nhóm là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (hiện đang thuộc trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự) và người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo để bảo đảm chính sách hình sự đối với các nhóm đối tượng này. Ngoài ra, luật có quy định mới trong việc áp dụng điều kiện có khó khăn về tài chính đối với 8 nhóm người tại khoản 7, Điều 7 cũng thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý, nhằm giúp những người thật sự có nhu cầu nhưng không có khả năng tài chính để thuê dịch vụ pháp lý.

Một điểm đáng chú ý khác là hình thức thực hiện TGPL cũng được điều chỉnh, cụ thể: Luật TGPL năm 2017 đã kế thừa Luật TGPL năm 2006 và quy định 3 hình thức TGPL, bao gồm: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng mà không quy định “các hình thức TGPL khác” để tránh dàn trải, trùng lặp với các hoạt động theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở…

Nhiều quy định bảo vệ quyền lợi khách du lịch

 Cùng với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật Du lịch năm 2017 cũng chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. So với Luật Du lịch năm 2005, luật đã bổ sung điều kiện đảm bảo quy chuẩn đối với loại cơ sở lưu trú du lịch. Quy chuẩn này sẽ quy định những điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch nhằm bảo vệ quyền lợi của khách du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ lưu trú phải bằng hoặc cao hơn mức tối thiểu quy định.

 Đối với việc xếp hạng các cơ sở lưu trú du lịch cũng được điều chỉnh thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không còn bắt buộc phải đăng ký hạng cơ sở lưu trú du lịch trong thời hạn 3 tháng kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh như trước đây.

Bên cạnh các dịch vụ du lịch chính như lữ hành, lưu trú du lịch, vận chuyển khách du lịch, luật cũng đã quy định cụ thể các dịch vụ khác gắn liền với hoạt động du lịch như ăn uống, mua sắm, thể thao, giải trí, chăm sóc sức khỏe… trong quá trình đi du lịch. Việc phát triển các dịch vụ này không chỉ đáp ứng yêu cầu của khách du lịch mà còn góp phần phát triển những ngành nghề kinh tế khác.

Ngoài ra, luật cũng đã bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân được tạo điều kiện thuận lợi, được hỗ trợ khi phát triển các dịch vụ du lịch liên quan, đặc biệt là các dịch vụ khai thác các giá trị truyền thống như nghệ thuật biểu diễn, làng nghề, y học cổ truyền, các môn thể thao dân tộc,… phục vụ khách du lịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch này khi được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch sẽ được gắn biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và được sử dụng danh hiệu này để quảng cáo, thu hút khách.

Quản lý chặt hơn đối với tài sản công

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công gồm 10 chương, 134 điều. Trong đó, có 5 chương quy định vấn đề chung, 5 chương quy định chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công.

Luật có quy định chặt chẽ hơn về quản lý, sử dụng tài sản công tại doanh nghiệp (chương V), gồm 3 điều. Theo đó, luật chia rõ hai trường hợp, đối với tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý và đã được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc quản lý, sử dụng được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Đối với tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp, luật quy định một số nội dung quản lý để rõ quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, tránh sử dụng lãng phí, thất thoát tài sản, cũng như có cơ chế để quản lý, sử dụng, phát triển nhóm tài sản này.

Bên cạnh đó, luật cũng bổ sung thêm 2 hành vi nghiêm cấm mới. Theo đó, nghiêm cấm các đơn vị nhà nước sử dụng ôtô và tài sản khác do tổ chức, cá nhân biếu, tặng không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Đồng thời, nghiêm cấm cơ quan quản lý cấp trên giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới không phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Điều này nhằm ngăn chặn việc trang bị ôtô, tài sản công cho các đơn vị cấp dưới vượt định mức hoặc không có tiêu chuẩn vẫn được trang bị sử dụng.

 Luật này quy định rõ về hình thức khoán định mức sử dụng tài sản công để mở đường cho việc áp dụng rộng rãi hình thức khoán kinh phí sử dụng xe công và các tài sản, dịch vụ công khác; nâng cấp chức năng ban hành tiêu chuẩn, định mức một số loại tài sản lên Chính phủ thay cho quyết định của Thủ tướng. Quy định này hướng tới việc ban hành tiêu chuẩn, định mức phải được lấy ý kiến các đơn vị liên quan, có đánh giá tác động…

ĐÌNH BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>