Nhiều ý kiến góp ý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

18/06/2018 | 07:54 GMT+7

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV bế mạc với việc thông qua 7 luật, 8 nghị quyết. Trong đó, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội quyết định xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp, được tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.

Đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong (đứng) đóng góp ý kiến dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong, đơn vị tỉnh Hậu Giang

- Theo định nghĩa hiện hành, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Nếu như Ban soạn thảo muốn mở rộng phạm vi điều chỉnh, theo tôi nghĩ cũng nên sửa định nghĩa này, còn nếu không thì giữ nguyên như luật hiện hành.

Còn phần 2 về xử lý tài sản, thu nhập kê khai, tại Điều 59, Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án thì cả 2 tôi không đồng ý. Bởi lẽ, Ban soạn thảo xây dựng 2 phương án trên theo hướng là cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh tài sản của người kê khai là không trung thực, hoặc thu nhập chênh lệch tăng thêm là không hợp pháp, nếu không chứng minh được thì mới thu thuế thu nhập là 45%, theo tôi không hợp lý. Lúc này, nghĩa vụ chính là của người kê khai, còn nếu không kê khai, kê khai không đầy đủ theo quy định thì phải sung vào công quỹ.

Tại Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người sở hữu thu nhập hợp pháp, của cải để dành, tư liệu sản xuất”, thì chúng ta phải hiểu rằng tài sản phải hợp pháp thì pháp luật mới bảo vệ, nếu không thì phải tịch thu, trong phòng, chống tham nhũng cũng phải như thế. Còn nếu Ban soạn thảo dùng nguyên tắc suy đoán, đưa ra 2 phương án suy đoán vô tội thì tôi nghĩ lại càng không đúng, bởi lẽ nguyên tắc suy đoán vô tội chỉ quy định cho chủ thể là con người chứ không quy định là khách thể, là tài sản.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Thúy, đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh

- Dự thảo luật đã bổ sung quy định mới về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý, được quy định tại Điều 59 dự thảo. Tôi xin có ý kiến đóng góp như sau:

Chính phủ đã trình 2 phương án xử lý đối với các loại tài sản trên. Quan điểm của tôi không đồng ý chọn phương án 1 và tôi chỉ đồng ý chọn một phần phương án 2. Đó là chỉ đặt chế tài xử lý vi phạm hành chính và phạt hành chính đối với người có nghĩa vụ kê khai khi có hành vi không khai đầy đủ các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, có nghĩa là các tài sản không được kê khai sẽ bị xử lý. Mức độ xử lý tùy theo quy định, có thể tịch thu toàn bộ. Đối với các tài sản, thu nhập đã được người có nghĩa vụ kê khai khai đầy đủ, không có cơ quan thẩm quyền nào chứng minh là liên quan đến vi phạm pháp luật, hành chính, hình sự hay buộc phải thực hiện nghĩa vụ dân sự thì những tài sản này đương nhiên là tài sản hợp pháp, áp dụng cho mọi công dân trong xã hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, đơn vị tỉnh An Giang

- Hầu hết thu nhập cá nhân hiện nay từ lương, thưởng, buôn bán, trúng vé số, cho, tặng, thừa kế những tài sản lớn đều phải kê khai thuế thu nhập cá nhân. Thuế này hiện nay theo tôi được biết quản lý rất khoa học, chính xác. Vậy tại sao chúng ta không yêu cầu có thêm một điều kiện phải khai thuế thu nhập cá nhân của tất cả các vị ở vị trí có khả năng tham nhũng hàng năm bổ sung vào Điều 38 dự thảo luật. Nếu biết con số cụ thể này thì người dân cũng như các cơ quan chức năng có thể dễ dàng giám sát, theo dõi; không có lý do gì mà thu nhập thuế cá nhân một năm chỉ có khoảng 1-2 triệu đồng mà người đấy vẫn có thể mua được nhà, xe.

Chính vì vậy, tôi rất mong chúng ta có thêm một điều khoản quy định rõ ràng các vị trí có nguy cơ tham nhũng thì cần phải kê khai thuế thu nhập cá nhân và công khai cho tất cả cử tri cũng như cơ quan giám sát biết.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, đơn vị tỉnh Bến Tre

- Tôi nhận được ý kiến của một số cử tri đề nghị đại biểu Quốc hội cân nhắc giúp, hiện nay trong khu vực công, Nhà nước không thể chống tham nhũng được, bây giờ mở ra khu vực ngoài thì lấy đâu công sức, lấy đâu nguồn lực để làm? Liệu chúng ta có thể làm được không hay là ghi vào luật chỉ làm thêm rắc rối? Từ bất lực 1 đến bất lực 2 dẫn đến chỗ Nhà nước ta có lỗi hơn với người dân và lỗi hơn với cử tri.

Tôi xin nhắc lại một vấn đề mà tôi đã nêu ở kỳ họp thứ 4, chống tham nhũng không phải sử dụng con dao là Luật Phòng, chống tham nhũng này được. Đây không phải con dao duy nhất; chúng ta có rất nhiều luật để phòng, chống tham nhũng, trong đó có Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Hành chính, Luật Đầu tư công,... nếu chỉ trông vào luật này thì không hiệu lực.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, đơn vị tỉnh Cà Mau

- Theo tôi, để “Không thể, không muốn, không dám tham nhũng” thì phải bằng thể chế. Ví dụ, để chống chạy chức, chạy quyền - một vấn nạn xã hội đang bức xúc thì Nhà nước phải có quy định chặt chẽ gắn với trọng dụng nhân tài thì người thực đức, thực tài không cần phải chạy chức, chạy quyền. Để không chạy chức, chạy quyền phải cắt bỏ các ưu đãi đặc quyền, đặc lợi với quan chức.

Để không thể chạy chức, chạy quyền phải đặt ra quy định với từng chức danh có định lượng cụ thể, có trách nhiệm và hình phạt thì những người bất tài, vô hạnh nhìn thấy mà không với tới, không nhảy qua, vì nhảy qua là rơi xuống bẫy pháp luật. Để “không dám” là phải có hình phạt trừng trị nghiêm khắc đối với quy trình cán bộ từ tiến cử, đề cử, thẩm định, bổ nhiệm. Nếu trừng trị thật nghiêm khắc sẽ “cả kinh thất sợ” mà không dám làm liều…

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>