Nhọc nhằn chuyện đòi lại án phí !

17/06/2019 | 08:32 GMT+7

Đóng gần 30 triệu đồng án phí nhưng bản án bị hủy, số tiền nói trên sau gần 2 năm vẫn chưa được trả lại cho đương sự. Đó là câu chuyện của ông Đặng Văn Thâm, ngụ xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, bức xúc gửi đến Báo Hậu Giang.

Đơn khiếu nại của ông Thâm gửi đến Báo Hậu Giang nêu bức xúc về việc hoàn án phí đã đóng.

Hủy án

Theo lời kể của ông Thâm, ông và vợ là bà Trương Lệ Thà kết hôn vào năm 1989, trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng ông tạo lập được khối tài sản chung là phần đất có diện tích 34.716m2, tọa lạc tại ấp Long Phụng, xã Hiệp Hưng, do ông Thâm đứng tên.

Năm 2002, mâu thuẫn vợ chồng kéo dài, vợ chồng quyết định ly hôn. Bản án hôn nhân và gia đình của Tòa án nhân dân (TAND) huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ (cũ) giải quyết thuận tình ly hôn, đồng thời quyết định chia đôi giá trị 34.716m2 đất tài sản chung tương đương 160 chỉ vàng, bà Thà được quyền canh tác đất và có trách nhiệm trả cho ông Thâm 80 chỉ vàng.

Không đồng ý với quyết định trên, bà Thà kháng cáo đến cấp phúc thẩm, tháng 7-2002, TAND tỉnh Cần Thơ (cũ) xử phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ nội dung phần tài sản, giao tòa cấp sơ thẩm xét xử lại theo thẩm quyền. Bẵng đi một thời gian, ông Thâm đi làm ăn xa nên vụ việc tranh chấp dần chìm vào quên lãng.

Đến năm 2016, ông Thâm trở về tiếp tục khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung theo giá thị trường.

Tháng 8-2016, TAND huyện Phụng Hiệp mở phiên tòa sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thâm, qua đó buộc bà Thà có trách nhiệm giao cho ông Thâm số tiền 793 triệu đồng. Đổi lại, bà Thà sẽ sở hữu toàn bộ phần đất tranh chấp có diện tích 34.716m2.

Mặc dù vậy, đến tháng 10-2016, bà Thà tiếp tục kháng cáo, yêu cầu phúc thẩm vụ việc. Sau khi xét kháng cáo của bà Thà, TAND tỉnh mở phiên tòa phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Phụng Hiệp do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, giao xét xử lại theo thẩm quyền. Vậy là sau 4 lần xét xử, vụ án tranh chấp giữa ông Thâm và bà Thà vẫn chưa có hồi kết.

Gian nan đòi hoàn án phí

Quá trình xử rồi lại hủy, hủy rồi lại xử của một vụ án tranh chấp tài sản sau ly hôn đã quá nhọc nhằn. Nhưng việc ông Thâm đợi nhận lại phần án phí đã nộp trước đó tưởng chừng đơn giản lại chẳng kém gì hơn.

Bởi sau khi bản án của TAND huyện Phụng Hiệp xét xử năm 2016 có hiệu lực, vì muốn sớm được thi hành án, ông Thâm đến Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Phụng Hiệp nộp số tiền án phí gần 30 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi tòa cấp phúc thẩm tuyên hủy án, ông liên hệ với Chi cục THADS huyện Phụng Hiệp với mong muốn nhận lại số tiền đã nộp thì được đơn vị này cho biết phải chờ, vì trường hợp của ông luật không hướng dẫn cụ thể nên chi cục cần phải liên hệ với các đơn vị liên quan để được hướng dẫn do toàn bộ số tiền án phí ông nộp, chi cục đã chuyển sang cơ quan thuế. 

Ông Thâm bức xúc cho biết, theo bản án dân sự phúc thẩm số 103, ngày 14-6-2017 của TAND tỉnh Hậu Giang do thẩm phán Lâm Thành Ngọc ký, nêu rõ: Tuyên xử chấp nhận kháng cáo của bà Trương Lệ Thà; hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 146/2016 của TAND huyện Phụng Hiệp về vụ án tranh chấp chia tài sản sau ly hôn giữa ông Thâm và bà Thà. Giao hồ sơ vụ án về cho TAND huyện Phụng Hiệp thực hiện các thủ tục và thụ lý giải quyết lại theo quy định.

Đối với phần án phí, bản án cũng nêu rõ: Án phí dân sự sơ thẩm và các chi phí tố tụng khác, các đương sự chưa phải chịu. Bà Thà được nhận lại 200.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp tại Chi cục THADS huyện Phụng Hiệp.

“Tôi nghĩ, nếu hiểu theo nội dung bản án thì số tiền án phí thi hành án tôi đã nộp tại Chi cục THADS huyện Phụng Hiệp sẽ được hoàn trả lại, bởi bản án của TAND huyện Phụng Hiệp đã không còn giá trị”, ông Thâm nói.

“Hiện tôi đang làm thuê tại Thành phố Hồ Chí Minh, cuộc sống rất khó khăn. Để có tiền nộp án phí, tôi phải vay mượn khắp nơi đến nay còn đang trả lãi, vậy mà tôi yêu cầu được nhận lại tiền thì các cơ quan chức năng đổ qua đổ lại, tôi thật chẳng biết đòi tiền ở đâu?”, ông Thâm bức xúc nói.       

Cần sớm kết thúc vụ việc

Để sáng tỏ nội dung phản ánh của người dân, chúng tôi liên hệ với lãnh đạo Chi cục THADS huyện Phụng Hiệp làm rõ một số nội dung vụ việc.

Qua trao đổi với ông Hồ Thanh Minh, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Phụng Hiệp, ông Minh cho biết: Trước đây, ông Thâm đã nhiều lần liên hệ với đơn vị yêu cầu được nhận lại tiền án phí đã nộp. Về nguyên tắc, chúng tôi nhận thấy đây là yêu cầu chính đáng, hợp lý của đơn sự, song do bản án của TAND tỉnh chỉ nêu nội dung “án phí dân sự sơ thẩm và các chi phí tố tụng khác, các đương sự chưa phải chịu; bà Thà được nhận lại 200.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp” nên đơn vị chưa có cơ sở để hoàn trả lại phần án phí đã nộp cho ông Thâm (?).

Sau đó, chúng tôi có gửi công văn đến TAND tỉnh về nội dung bản án thì TAND tỉnh cho biết ông Thâm được quyền nhận lại số án phí đã nộp theo bản án sơ thẩm trước đó.

“Tuy nhiên, thực tế Luật Thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan không có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp hoàn án phí khi bản án bị hủy, khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn, bởi trước nay chúng tôi chưa gặp trường hợp nào tương tự. Đồng thời, đối với số tiền án phí ông Thâm nộp, hiện đã chuyển đến cơ quan thuế nên chúng tôi phải chờ ý kiến từ cơ quan này”, ông Minh chia sẻ.

Trao đổi với ông Đỗ Hoàng Nhàn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Phụng Hiệp, ông Nhàn cho biết, trước vướng mắc trên đơn vị đã gửi công văn đến Cục Thuế tỉnh để được hướng dẫn thủ tục hoàn trả đối với án phí đã nộp của ông Thâm, do đó, trong thời gian tới, chi cục sẽ phối hợp với Chi cục THADS huyện Phụng Hiệp để đơn vị này tiến hành các thủ tục hoàn trả cho ông Thâm theo hướng dẫn. 

Thiết nghĩ, nếu việc trả lời của các cơ quan chức năng đã rõ, vướng mắc không còn, thì việc hoàn lại án phí cho ông Thâm có lẽ nên sớm được các cơ quan chức năng có liên quan của huyện Phụng Hiệp giải quyết dứt điểm, để không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>