Những điểm mới trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

13/04/2018 | 09:09 GMT+7

Người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thì phải hoàn trả; người có lỗi cố ý gây ra thiệt hại thì phải hoàn trả tiền bồi thường cao hơn người có lỗi vô ý, là những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017.

Một buổi tập huấn công tác bồi thường nhà nước do UBND tỉnh tổ chức.

Luật TNBTCNN năm 2017 (có hiệu lực từ 1-7-2018) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi luật đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Theo đó, luật có những điểm mới tiến bộ trên nhiều mặt. Về đối tượng yêu cầu bồi thường được cụ thể và mở rộng, gồm: Người bị thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại, tổ chức bị thiệt hại, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện đương nhiên; người được ủy quyền. Thời hiệu yêu cầu bồi thường cũng được nới rộng từ 2 lên 3 năm. Trong đó quyền yêu cầu khôi phục danh dự thì không có thời hạn mà bất cứ lúc nào người bị thiệt hại yêu cầu đều phải tiến hành.

Bên cạnh đó, một điểm mới nữa là về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước được quy định rất rõ: Phải bảo đảm kịp thời, công khai, đúng pháp luật; bảo đảm sự thương lượng cho quá trình giải quyết bồi thường, bởi bồi thường nhà nước là loại bồi thường đặc biệt ngoài hợp đồng theo Bộ luật Dân sự.

Về cơ chế giải quyết bồi thường cũng có nhiều điểm tiến bộ. Luật TNBTCNN năm 2017 đã mở rộng cơ chế người bị thiệt hại khi có văn bản giải quyết thì có quyền khởi kiện trực tiếp ra tòa, luật hiện hành không có cơ chế này. Trong giải quyết vụ án hình sự thì được giải quyết theo một cơ chế riêng, bắt buộc phải giải quyết tại cơ quan quản lý của người thi hành công vụ gây thiệt hại, nếu người bị thiệt hại không đồng ý mới có quyền khởi kiện ra tòa.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện nay, hệ thống các cơ quan giải quyết bồi thường có khoảng 28.000 cơ quan, tính từ cấp xã trở lên phải giải quyết bồi thường nếu gây ra thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, qua thực tế tổng kết Luật TNBTCNN năm 2009 thì cấp xã chỉ có một trường hợp duy nhất phải bồi thường. Trong suốt 7 năm thực hiện Luật TNBTCNN năm 2009, cả nước có 258 trường hợp phải bồi thường, nhưng chỉ có một vụ việc được giải quyết đúng thời hạn, còn lại đều quá thời hạn, thậm chí có những vụ việc kéo dài nhiều năm.

Chính vì vậy, Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định rõ thời gian cụ thể, từ xác minh, thụ lý. Từ 125 ngày trước đây xuống còn tối đa 71 ngày. Luật cũng quy định, thương lượng thành công sẽ trao quyết định ngay. Nếu không thành cũng phải gửi biên bản thương lượng để người bị thiệt hại có thể sử dụng biên bản này khởi kiện ra tòa án giải quyết.

Đối với vấn đề liên quan tới phục hồi danh dự thì cơ quan nhà nước phải chủ động phục hồi danh dự mặc dù người bị thiệt hại không hoặc chưa yêu cầu. Luật cũng quy định rõ các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ yêu cầu bồi thường.

Bên cạnh đó, theo quy định mới thì cơ quan tài chính chỉ có nhiệm vụ cấp kinh phí khi có hồ sơ từ các cơ quan giải quyết bồi thường chuyển tới mà không có chức năng kiểm tra, rà soát các hồ sơ thủ tục của các cơ quan giải quyết bồi thường. Trong khi trước đây các cơ quan tài chính phải xem xét lại nên mất rất nhiều thời gian, thậm chí khi không đồng ý thì các cơ quan khác phải làm lại.

Đối với vấn đề hoàn trả lại khoản tiền tạm ứng bồi thường. Quá trình tổng kết Luật TNBTCNN năm 2009 cho thấy, Nhà nước đã chi hơn 100 tỉ đồng để bồi thường nhưng thực tế công chức gây thiệt hại chỉ hoàn trả được số tiền vài trăm triệu đồng. Do đó, Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định mức hoàn trả cao hơn (30 đến 50 tháng lương đối với lỗi cố ý, 3-5 tháng lương đối với lỗi vô ý), thể hiện trách nhiệm nặng nề hơn với người gây thiệt hại so với Luật TNBTCNN năm 2009.

Đ.B tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>