Những vi phạm pháp luật dễ mắc phải trong ngày tết

31/01/2019 | 09:50 GMT+7

Trong đợt nghỉ tết dài ngày, người dân có nhiều cơ hội vui chơi, tụ họp người thân, bạn bè, tuy nhiên, thời gian này cũng tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc, thậm chí vi phạm pháp luật.

Trong dịp tết, đối với hành vi tự ý tăng giá bán các loại hàng hóa trong danh mục bình ổn giá có thể bị xử phạt đến 30 triệu đồng.

Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông

Theo điểm a, khoản 6; điểm b, khoản 8; khoản 9, khoản 12, Điều 5 Nghị định 46/2016: Nếu điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Đặc biệt, nếu người lái xe có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu (hoặc cao hơn 0,4 miligam/lít khí thở) sẽ bị phạt 16-18 triệu đồng, tước bằng lái 4-6 tháng.

Đối với người điều khiển xe máy: Theo quy định tại khoản 6; điểm c, khoản 8; khoản 12, Điều 6 Nghị định 46/2016: Người điều khiển xe máy sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu (hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở), hình phạt bổ sung là tước bằng lái từ 1-3 tháng. Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với người đi xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu (hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở), đồng thời bị thu bằng lái xe từ 3-5 tháng.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một đơn vị uống chuẩn chứa 10 gram cồn. Một đơn vị này tương đương một ly rượu mạnh (40 độ, 30ml); một ly rượu vang (13,5 độ, 100ml); một vại bia hơi (330ml); 2/3 chai (lon) bia (330ml).

Như vậy, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện chỉ cần uống từ một đến một lon rưỡi bia là có thể bị xử phạt. Tuy nhiên, nồng độ cồn trong máu/hơi thở còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và cơ địa của mỗi người nên để đảm bảo an toàn khi lái xe và không vi phạm luật giao thông, mỗi người nên cân nhắc khi uống rượu, bia trong ngày tết.

Gây rối trật tự công cộng

Khi say rượu, bia, người ta thường không kiểm soát được trạng thái tâm lý và hành vi của mình. Trong những cuộc nhậu “xả láng” hay trong những cuộc vui bài bạc thắng thua ít nhiều có thể gây ra những xung đột cá nhân, tập thể. Hậu quả là gây mất trật tự, ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Với những hành vi gây rối trật tự như vậy, người vi phạm nhẹ có thể bị phạt vi phạm hành chính với mức phạt thấp nhất là 100.000 đồng và cao nhất là 5.000.000 đồng (Điều 5 Nghị định 167/2013).

Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015).

Tự ý tăng giá thức ăn, nước uống và hàng hóa

Giá của các loại hàng hóa, dịch vụ dịp tết thường có xu hướng tăng gấp 2, 3 lần so thời điểm ngày thường. Đối với những hành vi vi phạm pháp luật về giá sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 49/2016 sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2013.

Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi: Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Phạt tiền đến 55 triệu đồng đối với hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Hành vi đốt pháo

Điều 4, Nghị định 36/2009 về quản lý, sử dụng pháo nghiêm cấm việc sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các loại pháo nổ và pháo hoa, thuốc pháo. Ngay cả việc sử dụng vật liệu nổ để gây tiếng nổ thay pháo cũng bị nghiêm cấm.

Việc đốt pháo trái phép còn được hiểu là sử dụng pháo nổ là một hành vi bị pháp luật cấm. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng theo Nghị định 167/2013. Theo đó, hành vi sử dụng pháo có thể bị xử phạt hành chính, phạt tiền 1-2 triệu đồng và tịch thu tang vật. Còn đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép pháo và thuốc pháo có thể bị phạt 4-8 triệu đồng, tịch thu tang vật.

Trong trường hợp đốt pháo ở nơi công cộng, đông người hoặc đốt pháo ném vào người khác... có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.

Điều 245, Bộ luật Hình sự quy định, phạt tiền 1-10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm tùy mức độ và tình huống vi phạm. Nếu người đốt pháo rủ rê trẻ em hoặc nhiều người tham gia, hoặc đã bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng thì bị phạt tù 2-7 năm.

Đ.BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>