Phát huy hiệu quả câu lạc bộ pháp luật

19/06/2018 | 09:02 GMT+7

Những năm qua, nhiều câu lạc bộ (CLB) pháp luật  trên địa bàn tỉnh được xây dựng với hình thức hoạt động đa dạng, từ đó góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.

Một buổi sinh hoạt tại CLB pháp luật xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A.

Sáu tháng đầu năm 2018, Châu Thành A là điểm sáng về hoạt động CLB pháp luật. Hiện nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều duy trì hoạt động của các CLB.

Ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành A, cho biết, định kỳ mỗi tháng 1 lần, các CLB pháp luật trên địa bàn tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu pháp luật, các chương trình giao lưu sân khấu hóa,… Tất cả nội dung đều liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các thông tin mang tính thời sự, có sức lan tỏa, được người dân quan tâm.

Tại xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, kỳ bầu cử trưởng ấp vừa qua có 100% cử tri đi bỏ phiếu. Góp phần quan trọng vào kết quả này là nhờ công tác tuyên truyền sâu, rộng của các CLB pháp luật đến người dân.

Anh Nguyễn Quốc Thích, cán bộ Tư pháp xã Thạnh Xuân, chia sẻ: “CLB pháp luật xã hiện có trên 20 thành viên. Hàng tháng chúng tôi đều tổ chức sinh hoạt vào ngày 15 để tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới, sau đó tiếp tục triển khai xuống các ấp để tuyên truyền cho bà con địa phương”.

Còn anh Đỗ Văn Tôn, ở ấp Trầu Hôi A, bộc bạch: “Sau thời gian tham gia vào CLB pháp luật tại địa phương, giúp tôi biết thêm nhiều kiến thức pháp luật về đất đai, hôn nhân và gia đình, các quy định thủ tục hành chính… Nhờ vậy, khi có vấn đề gì liên quan đến pháp luật tôi đều tự tin xử lý hoặc chia sẻ với mọi người”.

Trên địa bàn Hậu Giang hiện có hơn 380 CLB pháp luật với trên 5.000 người tham gia. Các CLB pháp luật được duy trì dưới nhiều loại hình hoạt động trong phòng, chống tội phạm; trợ giúp pháp lý, kể cả các CLB thanh niên, nông dân với pháp luật.

Riêng hình thức sinh hoạt cũng khá đa dạng, như hái hoa dân chủ, lồng ghép sinh hoạt CLB pháp luật với tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng liên quan, kết hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương.

Bên cạnh các CLB duy trì thường xuyên, hoạt động hiệu quả cũng có không ít CLB pháp luật đang sinh hoạt cầm chừng, chất lượng thấp. Bởi theo ghi nhận của một số địa phương, tình trạng chung hiện nay là có một số CLB pháp luật sau khi thành lập chỉ hoạt động được vài lần, thậm chí làm lễ ra mắt rồi ngưng nên thực chất chỉ tồn tại trên báo cáo.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này. Phần lớn là do kinh phí hoạt động cũng như thiếu địa điểm ổn định để sinh hoạt thường xuyên. Mặt khác, một địa phương có nhiều CLB pháp luật khác nhau, với thành phần cùng nội dung sinh hoạt đôi lúc trùng lắp nhau, dẫn đến hiệu quả không cao.

Vì vậy tới đây, ngoài việc bố trí nguồn kinh phí hợp lý, cần phải đánh giá lại hoạt động của các CLB pháp luật đang có, nếu thấy không phù hợp thì nên dừng hoạt động. Trong cùng một địa phương có thể sáp nhập các mô hình CLB pháp luật để tận dụng nguồn lực, tránh trùng lắp về thành phần và thời gian diễn ra các hoạt động.

Thiết nghĩ, để duy trì và hoạt động có hiệu quả các CLB pháp luật, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trước hết là sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>