Phát huy trách nhiệm dân cử trong công tác tiếp dân

22/03/2018 | 08:45 GMT+7

Thời gian qua, công tác tiếp dân của Thường trực HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh đã cơ bản đáp ứng nguyện vọng của cử tri, qua đó kịp thời truyền tải và giải quyết những ý kiến, kiến nghị của người dân, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, tạo niềm tin cho người dân với cơ quan dân cử.

Một buổi tiếp công dân định kỳ tại HĐND tỉnh.

Tham dự một buổi tiếp dân của HĐND tỉnh, chúng tôi nhận thấy bức xúc của người dân đều được các đại biểu, các ngành tham gia lắng nghe để giải quyết. Những trường hợp khiếu kiện nhiều lần, vượt cấp cũng được tiếp đón chu đáo và hướng dẫn cụ thể, đúng trình tự, có hẹn thời gian trả lời thỏa đáng.

Ông Lê Văn Bảnh, ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Gia đình tôi bị ảnh hưởng dự án Xây dựng đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn gần 7 năm qua, giờ quy hoạch đã hủy bỏ, chúng tôi bị thiệt hại lớn về cây trồng, hoa màu nên đến HĐND tỉnh nhờ các đại biểu giúp đỡ. Tại đây, tôi được trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình, các đại biểu cũng lắng nghe. Sau đó đã hướng dẫn tôi gửi đơn khiếu nại đến đúng nơi thuộc thẩm quyền giải quyết; phân tích đầy đủ các quyền, nghĩa vụ cho chúng tôi hiểu rõ”.

Còn bà Nguyễn Thị Hinh, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho hay: “Tôi đến trụ sở tiếp công dân của HĐND tỉnh để nhờ giúp về việc hưởng chế độ người cao tuổi, các đại biểu đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn đến đúng nơi và cũng được giải quyết ổn thỏa”.

Theo ông Trương Thanh Bình, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, tiếp công dân là việc làm thường xuyên của đại biểu dân cử. Điều quan trọng khi tiếp dân là phải lắng nghe, hiểu rõ ý của công dân, xem nội dung đó liên quan đến sở, ngành nào để yêu cầu trả lời. Đối với những trường hợp quá bức xúc, đại biểu phải thực sự mềm mỏng, yêu cầu công dân bình tĩnh trình bày để nghe giải thích và tuyên truyền cho họ hiểu những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Để có thể tiếp và giải quyết thấu đáo những kiến nghị của dân, thời gian qua, HĐND tỉnh xác định công tác tiếp dân, đôn đốc, giám sát tình hình giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của dân. Đồng thời từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng công tác này.

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã thực hiện tốt lịch tiếp dân định kỳ theo quy định vào ngày 15 hàng tháng tại trụ sở; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong việc tiếp dân để trả lời trực tiếp các ý kiến, kiến nghị hoặc hướng dẫn, tiếp nhận, phân loại đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo cho công dân biết.

 Đa số đơn thư của công dân do Thường trực HĐND tỉnh chuyển đều được cơ quan chức năng nghiêm túc xem xét giải quyết, thời gian giải quyết cơ bản đúng quy định của pháp luật; sau giải quyết có báo cáo, thông báo kết quả giải quyết để Thường trực HĐND tỉnh theo dõi, giám sát.

Bên cạnh đó, tại các kỳ họp HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện quyền chất vấn và yêu cầu cơ quan liên quan giải trình làm rõ quy trình, trình tự giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri, cũng như một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Theo đó, nhiều vụ việc được xử lý thỏa đáng, dứt điểm, tạo niềm tin trong Nhân dân.

Ông Nguyễn Vũ Hùng, ở phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Tôi thấy công tác tiếp dân tại HĐND tỉnh được tổ chức chu đáo, các ý kiến của cử tri được đại biểu quan tâm dành nhiều thời gian lắng nghe và giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của công dân một cách cặn kẽ, với tinh thần trách nhiệm cao”.

Theo ông Nguyễn Quốc Ca, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, nhiều năm qua, HĐND tỉnh và UBND tỉnh luôn phối hợp nhằm tiếp thu, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri đầy đủ, nhất là để phục vụ công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND. Thông qua các hoạt động của HĐND tỉnh, nhất là hoạt động tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, giám sát, các ý kiến, nguyện vọng của người dân đã được chuyển đến UBND tỉnh và các sở, ban, ngành để có xem xét, giải quyết hoặc có cơ sở ban hành, chỉnh sửa và khắc phục những vướng mắc, bất cập kịp thời cho người dân.

Luật Tiếp công dân quy định trách nhiệm của người tiếp công dân:

Khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải bảo đảm trang phục chỉnh tề, có đeo thẻ công chức, viên chức hoặc phù hiệu theo quy định.

Yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); có đơn hoặc trình bày rõ ràng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc.

Có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.

Giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.

Trực tiếp xử lý hoặc phân loại, chuyển đơn, trình người có thẩm quyền xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân.

Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>