Phát huy truyền thống ngành kiểm sát nhân dân

29/07/2019 | 04:45 GMT+7

Ôn lại truyền thống 59 năm ngày thành lập ngành kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2019) và báo cáo thành tích 15 năm xây dựng, phát triển (2004-2019) mới đây, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh nhấn mạnh sẽ không ngừng phát huy truyền thống, xây dựng ngành hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Họp mặt Kỷ niệm 59 năm Ngày thành lập ngành kiểm sát nhân dân tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.

59 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ kiểm sát trong ngành kiểm sát nhân dân nói chung, ở tỉnh nói riêng đã cống hiến cả tâm huyết, trí tuệ, sức lực, tinh thần dũng cảm và lòng nhân ái cho sự nghiệp đấu tranh giữ gìn tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế và bảo đảm các quyền dân chủ của Nhân dân.

Ông Trần Quang Khải, Viện trưởng VKSND tỉnh, nhấn mạnh: “Quá trình đó, ngành đã tích lũy và đúc rút được nhiều bài học quý báu, hun đúc thêm truyền thống tốt đẹp mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước khẳng định, đó là “Nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ Nhân dân”.

VKSND tỉnh thành lập cùng với việc thành lập tỉnh Hậu Giang, trong bối cảnh có sự điều chỉnh quan trọng về chức năng, hoạt động của VKSND theo yêu cầu cải cách tư pháp, đội ngũ cán bộ khi mới thành lập chỉ mấy chục người, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động hầu như chưa có gì...

Song 15 năm qua, quán triệt quan điểm đổi mới của Đảng về nhiệm vụ cải cách tư pháp, VKSND Hậu Giang đã thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; xây dựng ngành trong sạch, vững mạnh.

Hai cấp kiểm sát đã tăng cường phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong phòng, chống tội phạm, vi phạm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các loại tội phạm theo thẩm quyền; thực hiện tốt chủ trương của Đảng và của ngành về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”.

Công tác kiểm sát điều tra được tiến hành ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và trong suốt quá trình khởi tố điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự nên đã hạn chế được việc để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tỷ lệ số vụ án kiện kiểm sát xử lý và truy tố hàng năm đều đạt cao, năm sau cao hơn năm trước, bình quân đạt trên 99%.

Cùng với đó là kiểm sát chặt chẽ chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam, không để xảy ra các trường hợp quá hạn luật định hoặc tạm giữ, tạm giam không có căn cứ. Có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, trọng tâm là nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm việc tranh tụng dân chủ, công khai, không để xảy ra trường hợp viện kiểm sát truy tố mà tòa án tuyên không phạm tội.

Trên các lĩnh vực kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các việc khác theo quy định; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự; kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong hoạt động tư pháp, toàn ngành đã chú trọng kiểm sát các bản án, quyết định của tòa án, tích cực tham gia các phiên tòa, phiên họp theo quy định của pháp luật.

Tăng cường kiểm sát việc tổ chức thi hành án hình sự, dân sự, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành án nắm chắc số bản án, quyết định phải thi hành để yêu cầu thi hành một cách kịp thời, đúng quy định. Qua công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, viện kiểm sát hai cấp đã kịp thời phát hiện vi phạm và ban hành hàng ngàn kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục…

Khẳng định những kết quả to lớn, tự hào về truyền thống vẻ vang nhưng ngành cũng thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót. Đó là đòi hỏi ngày càng cao của Nhân dân về công cuộc cải cách tư pháp vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ; công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự ở một số đơn vị hiệu quả chưa cao; chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại tòa chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới. Công tác quản lý, rèn luyện cán bộ có lúc, có nơi chưa tốt dẫn đến có trường hợp cán bộ, kiểm sát viên mắc sai phạm bị xử lý kỷ luật.

Những năm tiếp theo, VKSND Hậu Giang sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp theo tinh thần Hiến pháp, Luật Tổ chức VKSND. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các tư tưởng, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp; tích cực cùng các cơ quan tư pháp đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm.

Lãnh đạo VKSND tỉnh cho biết, sẽ không ngừng thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; tích cực tham mưu với cấp ủy về các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nhanh các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Thường xuyên phối hợp với tòa án trong việc tổ chức các phiên tòa về hình sự, dân sự, hành chính rút kinh nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên. Tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án; kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm trong việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án nhằm bảo đảm việc quản lý và thực hiện các chế độ về giam giữ, thi hành án...

Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, công tác tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo phải được quan tâm hơn nữa. “Chúng tôi sẽ đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; tăng cường tính chủ động, trách nhiệm, bản lĩnh, năng lực quản lý, điều hành của người đứng đầu; tăng cường công tác thanh tra, gắn công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý cán bộ, công chức; thường xuyên giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên gắn với thực hiện Nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo gương Bác hiệu quả”, ông Trần Quang Khải cho biết thêm.

Khi mới thành lập, VKSND tỉnh Hậu Giang có 6 phòng nghiệp vụ và 6 đơn vị VKSND cấp huyện với biên chế hai cấp là 45. Đến nay, VKSND hai cấp có 131 biên chế, 26 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68. Có 83 đồng chí được bổ nhiệm giữ chức danh kiểm sát viên các ngạch.

 

TRÍ THỨC tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>