Phạt tiền, phạt tù nếu xả thải vượt chuẩn ra môi trường

08/05/2019 | 08:05 GMT+7

Các hành vi xả thải gây nguy hại cho môi trường, theo Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, có thể bị phạt tiền đến 3 tỉ đồng, hoặc phạt tù đến 7 năm.

Nước sông bị ô nhiễm trên địa bàn thị xã Long Mỹ vừa qua.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi gây ô nhiễm môi trường là hành vi xâm phạm đến môi trường mà qua đó để lại tác động tiêu cực đến môi trường sống, làm môi trường trở nên độc hại. Tội gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 182 BLHS năm 1999 trước đây và hiện nay là Điều 235 theo BLHS năm 2015.

Hành vi nào bị xử phạt ?

Theo pháp luật hình sự, chủ thể của hành vi gây ô nhiễm môi trường không phải là chủ thể đặc biệt. Có nghĩa là những người thực hiện hành vi phạm tội được quy định tại khoản 1, Điều 235 BLHS năm 2015 thì đều có thể trở thành chủ thể của tội gây ô nhiễm môi trường. Cá nhân phải từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

Ngoài ra, BLHS năm 2015 cũng quy định, pháp nhân thương mại phạm tội gây ô nhiễm môi trường cũng có thể bị xử lý hình sự về tội danh này. Đây là một quy định mới của BLHS năm 2015 xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đấu tranh tội phạm đối với các hành vi xâm phạm môi trường sống, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tổ chức.

Khoản 1, Điều 235 BLHS năm 2015 liệt kê cụ thể các hành vi được xem là phạm tội gây ô nhiễm môi trường như sau: Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 1.000kg đến dưới 3.000kg chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 3.000kg đến dưới 10.000kg chất thải nguy hại khác.

Xả thải ra môi trường từ 500m3 trên ngày đến dưới 5.000m3 trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 5 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 300m3 trên ngày đến dưới 500m3 trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên…

Chế tài nghiêm khắc

So với các quy định pháp luật hình sự trước đây, mỗi hành vi trong BLHS năm 2015 tương ứng với một mức định lượng cụ thể để làm căn cứ xác định việc xử lý hình sự hay chỉ xử phạt hành chính. Điều này sẽ giúp việc áp dụng trên thực tế chính xác và dễ hơn bởi tránh tình trạng phải giải thích ở quá nhiều văn bản hướng dẫn về hậu quả nghiêm trọng như trước đây.

Bên cạnh đó, tội gây ô nhiễm môi trường là tội xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Bao gồm tổng hợp tất cả các hành vi xâm phạm đến bầu khí quyển, nguồn đất, nguồn nước. Do đó, hậu quả không còn là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này nếu hành vi gây ô nhiễm chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người thực hiện hành vi đó vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Bởi hậu quả từ các hành vi gây ô nhiễm môi trường diễn ra trong một thời gian rất dài và để lại hậu quả âm ỉ nên khó lòng đánh giá được trực tiếp trong một sớm một chiều.

Về hình phạt đối với tội phạm môi trường, theo quy định tại khoản 1, Điều 235 BLHS năm 2015: Người nào thực hiện một trong các hành vi vi phạm tại khoản 1 điều này, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp tại khoản 2 thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Người thực hiện một trong các hành vi tại khoản 3 điều này thì bị phạt tiền từ 1 tỉ đến 3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Đối với pháp nhân thương mại, phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 235 thì bị phạt tiền từ 1 tỉ đồng đến 5 tỉ đồng; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 thì bị phạt tiền từ 5 tỉ đến 10 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm…  Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1-3 năm…

Phát hiện những thông số trong nước vượt chuẩn

(HG) - Vụ ô nhiễm môi trường ở huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ vừa qua, qua phân tích nhanh các thông số tại một số vị trí nước mặt ngày 2-5-2019 trên sông Cái Lớn (đoạn qua thị xã Long Mỹ) cho kết quả như sau:

- Thông số TSS kết quả vượt quy chuẩn quy định từ 1,9-2,6 lần.

- Thông số COD kết quả vượt quy chuẩn quy định từ 2,3-4,4 lần.

- Thông số P-PO43- kết quả vượt quy chuẩn quy định từ 1,6-3,5 lần.

- Hàm lượng oxy hòa tan trong nước (DO) rất thấp, dao động từ 0-0,7 mg/l, trong khi quy chuẩn quy định 5 mg/l.

Chỉ số DO trong nước:

DO là từ viết tắt của Dessolved Oxygen, có nghĩa là lượng oxy hòa tan trong nước cần thiết cho sự hô hấp của các sinh vật nước (cá, lưỡng thể, thủy sinh, côn trùng…) chúng được tạo ra do sự hòa tan từ khí quyển hoặc do sự quang hợp của tảo.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hòa tan oxy vào nước là nhiệt độ, áp suất khí quyển, dòng chảy, địa điểm, địa hình. Giá trị DO trong nước phụ thuộc vào tính chất vật lý, hóa học và các hoạt động sinh học xảy ra trong đó. Nồng độ oxy tự do trong nước nằm trong khoảng 8-10 ppm. Khi nồng độ DO thấp, các loài sinh vật nước giảm hoạt động hoặc bị chết. Phân tích DO cho ta đánh giá mức độ ô nhiễm nước và kiểm tra quá trình xử lý nước thải.

Chỉ số COD trong nước:

COD là từ viết tắt của Chemical Oxygen Demand - nhu cầu oxy hóa học. Đây là lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ.

COD là lượng oxy cần để oxy hóa toàn bộ các chất hóa học trong nước, trong khi đó BOD là lượng oxy cần thiết để oxy hóa một phần các hợp chất hữu cơ dễ phân hủy bởi vi sinh vật. Toàn bộ lượng oxy sử dụng cho các phản ứng trên được lấy từ oxy hòa tan trong nước (DO).

Do vậy, nhu cầu oxy hóa học và oxy sinh học cao sẽ làm giảm nồng độ DO của nước, có hại cho sinh vật nước và hệ sinh thái nước nói chung. Nước thải hữu cơ, nước thải sinh hoạt và nước thải hóa chất là các tác nhân tạo ra các giá trị BOD và COD cao của môi trường nước.

COD là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ ô nhiễm của nước (nước thải, nước mặt, nước sinh hoạt) vì nó cho biết hàm lượng chất hữu cơ có trong nước là bao nhiêu. Hàm lượng COD trong nước cao thì chứng tỏ nguồn nước có nhiều chất hữu cơ gây ô nhiễm.

T.T

 

Đ.B tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>