Phối hợp trong thi hành án dân sự

07/08/2018 | 04:56 GMT+7

Pháp luật hiện hành quy định khá đầy đủ về vấn đề thi hành án dân sự (THADS), nhưng trên thực tế cơ quan thi hành án vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong các vụ việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Một buổi ký kết quy chế phối hợp về công tác THADS giữa các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Thống kê của Cục THADS tỉnh, số án, vụ việc phải thi hành mỗi năm một tăng không chỉ về số lượng mà mức độ, tính chất ngày càng phức tạp bởi liên quan đến nhiều đối tượng, giá trị tài sản cao. Trong đó có các vụ vỡ nợ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến hàng tỉ đồng.

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cơ quan THADS thường gặp phải sự cản trở từ phía đương sự. Để đối phó với cơ quan chức năng, nhiều đối tượng đã tìm cách tẩu tán tài sản dưới nhiều hình thức ngay khi có dấu hiệu vỡ nợ. Đến giai đoạn trả nợ, bồi thường, nhiều đối tượng đã không còn tài sản hoặc còn rất ít để thực hiện nghĩa vụ dân sự, vậy là việc thi hành án không đạt kết quả như mong đợi.

Trao đổi về vấn đề này, ông Sơn Duy Oai, Cục trưởng Cục THADS tỉnh, cho biết, THADS là hoạt động mang tính thực tiễn liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau như tòa án, viện kiểm sát, công an, ngân hàng, thuế,… và có ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự từng địa phương. Do đó, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan là rất cần thiết.

Hiện nay, loại án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng được xem là loại án phức tạp nhất trong THADS vì liên quan đến nhiều quy định khá chặt chẽ trong lĩnh vực tài chính. 

Lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, đối với các việc có liên quan đến ngân hàng, nếu ngân hàng và chấp hành viên thiếu sự phối hợp chặt chẽ sẽ tạo điều kiện cho đương sự tẩu tán tài sản một cách dễ dàng. Thực tế, trong những vụ việc, mối quan hệ giữa chấp hành viên với ngân hàng không hài hòa, tách bạch giữa “việc anh anh làm, việc tôi tôi làm” sẽ dễ dẫn đến việc đương sự tẩu tán tiền trong tài khoản tại ngân hàng, hoặc về phía ngân hàng không cung cấp thông tin, tài khoản thế chấp cho cơ quan thi hành án, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thi hành án.

Bên cạnh đó, vai trò, sự phối hợp của chính quyền cơ sở, Mặt trận và các đoàn thể địa phương đóng góp khá quan trọng trong công tác này.

Theo ông Trần Quốc Lộc, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, ngoài việc phối hợp cung cấp thông tin xác minh, vận động người phải thi hành án thực thi nghĩa vụ, chính quyền cơ sở và các đoàn thể còn phối hợp trong việc tuyên truyền, vận động người được thi hành án, người phải thi hành án và những người liên quan hòa giải để tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp mà vẫn giữ gìn sự đoàn kết, tình cảm của các đương sự.

Tuy nhiên, cũng theo ông Lộc, hiện nay trách nhiệm của một số địa phương chưa cao. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành vẫn chưa quy định thống nhất, đồng bộ về cơ chế kiểm tra, giám sát, quản lý nguồn thu nhập, tài sản của người phải thi hành án nên gây khó khăn cho công tác thi hành án trong quá trình xác minh, kê biên và xử lý tài sản.

Cùng với đó, một số khó khăn trong quá trình phối hợp với các cơ quan khác cũng phần nào làm chậm quá trình thi hành, vì vậy, cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành nhằm tạo sự đồng thuận, nhất quán trong quá trình tổ chức thực hiện công tác THADS.

Cục trưởng Cục THADS tỉnh Sơn Duy Oai cho rằng, giải pháp là phải phát huy vai trò của ban chỉ đạo THADS hai cấp trong kết nối các thành viên; phát huy vai trò tham mưu của cơ quan thi hành án đối với những vụ việc khó khăn, phức tạp. Đồng thời là thường xuyên trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động phối hợp trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ giữa cơ quan thi hành án với các ngành liên quan. Đối với những trường hợp không hợp tác với cơ quan thi hành án phải được xử lý nghiêm minh theo quy định.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>