Phòng, chống hiệu quả bạo lực gia đình là ngăn ngừa vi phạm pháp luật

25/03/2019 | 08:35 GMT+7

Năm 2018, Hậu Giang xảy ra 12 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ), giảm 30 vụ so năm 2017. Tuy giảm nhưng các cấp hội phụ nữ trong tỉnh vẫn luôn quan tâm để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trên xảy ra. Bà Thái Thu Xương (ảnh), Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh, cho biết thêm:

- Ngoài BLGĐ, trong 2 năm 2017, 2018, trên địa bàn tỉnh còn phát hiện 58 vụ/60 nạn nhân liên quan đến xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Thông thường, trong các trường hợp bị bạo lực, phụ nữ không dám nói hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý, bởi họ phải cố giữ hình ảnh “gia đình hạnh phúc” trong mắt mọi người và phải hy sinh quyền, nhân phẩm của chính mình. Điều này không phải là hạnh phúc thật sự của phụ nữ và cần thay đổi suy nghĩ ấy.

Xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A ra mắt Câu lạc bộ Hội cha mẹ học sinh phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Thưa bà, từ năm 2018 đến nay, các mô hình, hoạt động phòng, chống BLGĐ của Hội có những kết quả gì nổi bật ?

- Với phương châm phòng ngừa là chính, hội LHPN các cấp trong tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống BLGĐ, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái thông qua cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không 3 sạch”, trong đó phát động gia đình hội viên, phụ nữ đăng ký thực hiện tiêu chí không BLGĐ là tiêu chí cứng (không BLGĐ là 1/8 tiêu chí công nhận gia đình đạt 5 không 3 sạch - PV).

Đã xây dựng nhiều mô hình giáo dục hành động, phòng, chống BLGĐ trong phụ nữ. Nổi bật là tổ chức 110 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng -  điểm tiếp nhận, can thiệp, bảo vệ nạn nhân bị bạo lực, hỗ trợ vật chất, ổn định tinh thần và có ở 76 xã, phường, thị trấn; xây dựng câu lạc bộ phụ nữ phòng, chống BLGĐ; phụ nữ tìm hiểu pháp luật...

Tỉnh hội còn phối hợp với ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống BLGĐ sâu rộng, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này trong sự nghiệp phát triển.

Thời gian này, các cấp hội phối hợp tổ chức tốt hoạt động giao lưu, tọa đàm về “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc”, hội thi “Gia đình tài năng”, “Kiến thức gia đình”, “Gia đình văn hóa tiêu biểu 3 thế hệ”, “Gia đình thể thao”, “Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc”, thi “Tìm hiểu Luật Phòng, chống BLGĐ”; biểu dương “Gia đình văn hóa tiêu biểu - Người tốt việc tốt tiêu biểu”...

Tất cả các hoạt động trên nhằm thúc đẩy sự quan tâm và hành động có trách nhiệm của mỗi gia đình nhằm tiến tới xóa bỏ BLGĐ. Hiệu quả mang lại là nâng cao nhận thức phòng, chống; BLGĐ năm 2018 giảm đáng kể.

Bà nhận thấy có những hạn chế, bất cập gì khi Hội tham gia phòng, chống BLGĐ ?

- Tôi cho rằng đó là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân nói chung, hội viên phụ nữ ở một số nơi chưa thường xuyên; biên chế của Hội ít, cán bộ hội làm công tác gia đình chủ yếu kiêm nhiệm nên việc nghiên cứu, áp dụng văn bản quy phạm, chính sách liên quan trong xử lý vụ việc từng lúc chưa sâu.

Kinh phí cho có công tác phòng, chống BLGĐ trong hệ thống Hội không có, chủ yếu lồng ghép, tranh thủ nguồn dự án; kinh phí hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, xử lý hậu quả cũng không; việc duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả gặp không ít khó khăn.

Tôi cũng nghĩ, do việc xử phạt vi phạm BLGĐ chưa đủ sức răn đe, thường chỉ phạt hành chính nên BLGĐ thường tái diễn, nhất là trong hộ nghèo.

Năm nay, Hội sẽ triển khai những hoạt động, nội dung gì có chiều sâu về phòng, chống BLGĐ, thưa bà ?

- Hưởng ứng chủ đề Năm 2019 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN Việt Nam tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, đặc biệt là Lễ phát động hưởng ứng chủ đề năm và Tọa đàm chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” với phương châm “Nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em” nhằm tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân đảm bảo môi trường an toàn cho đối tượng nói trên.

Hội sẽ tiếp tục có giải pháp hiệu quả vận động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội để thực hiện các hoạt động, phát huy vai trò đại diện của phụ nữ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức, hành động trong nam giới về an toàn cho phụ nữ và trẻ em...

Bà Thái Thu Xương: BLGĐ, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em là vấn đề nghiêm trọng, có nguy cơ phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình, trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người. Tình trạng mất an toàn đối với phụ nữ và trẻ em không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình, xã hội. Đây được coi là trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ. Thời gian qua, các ngành, các cấp trong tỉnh luôn tăng cường phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm nội dung trên nhằm kịp thời bảo vệ nạn nhân BLGĐ và xử lý kịp thời tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BLGĐ đúng quy định.

 

Xin cảm ơn bà !

T.THỨC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>