Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng

08/02/2018 | 08:47 GMT+7

Năm 2018, công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng ở tỉnh sẽ tiếp tục được tập trung hơn nữa.

Theo đó, Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ chủ yếu là sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 46 ngày 23/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 10 ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 33 ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập; Chỉ thị số 50 ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Chỉ thị số 05 ngày 10/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Nâng cao ý thức trách nhiệm, rèn luyện đạo đức, tác phong; xây dựng lề lối làm việc khoa học, hiệu quả; công khai, dân chủ”.

Quang cảnh hội nghị tổng kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng.

Quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác phát hiện tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: Đầu tư xây dựng, đất đai, thu ngân sách, mua sắm công; tăng cường đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng…

Về vấn đề này, ông Lưu Ngọc Đông, Chánh Thanh tra tỉnh, cho biết cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng; xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng. Theo dõi, nắm tình hình việc xử lý và bố trí lại đối với cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng.

Để công tác thanh tra nói chung và công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra cũng như công tác thanh tra hành chính; công tác thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong năm 2018, ngành thanh tra sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt theo kế hoạch thanh tra năm 2018 đã được phê duyệt và các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và thủ trưởng các ngành, địa phương, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm mà dư luận quan tâm. Tập trung tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả chương trình hành động, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục đôn đốc thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng theo chức năng của ngành thanh tra; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc nắm bắt tình hình, phát hiện tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm trong thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Ông Hồ Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết đối với nhiệm vụ trên đơn vị sẽ tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra theo chương trình, kế hoạch nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm. Đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực, chống lề lối làm việc cửa quyền, quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý kinh tế, sách nhiễu, cố ý làm trái chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước, tham ô tài sản của Nhà nước và của Nhân dân. Sẽ ban hành kế hoạch kiểm tra phòng, chống tham nhũng, công khai tài chính hoạt động của cơ quan; xây dựng quy chế ứng xử của cán bộ, công chức. Thực hiện tốt việc tiếp nhận thông tin, tiếp công dân và xử lý kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân liên quan đến cán bộ, công chức.

Ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Thực hiện tốt công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Do đó, yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh phải xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, công tác tư pháp có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Bộ Chính trị. Tăng cường và phát huy hơn nữa vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tham nhũng, lãng phí nói riêng.

 

PHI YẾN lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>