Phòng, chống tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước

03/12/2018 | 08:43 GMT+7

Doanh nghiệp ngoài Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong tổ chức mình... Đây là một trong những điểm nổi bật trong Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Luật dành chương VII để quy định PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Mở rộng phạm vi áp dụng là cần thiết

Một trong những điểm mới quan trọng là Luật PCTN (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi sang khu vực ngoài Nhà nước. Nếu như luật hiện hành chỉ tập trung quy định đối với khu vực Nhà nước thì luật vừa được thông qua có nhiều điều khoản liên quan đến tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước.

Theo nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước đã và đang làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước và hiệu quả công tác PCTN.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, đồng bộ với Bộ luật Hình sự và phù hợp với yêu cầu của Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Luật PCTN (sửa đổi) quy định rõ, các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức.

Cùng với đó, có trách nhiệm kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng.

Xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh

Theo quy định của luật, khuyến khích các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, căn cứ vào quy định của luật này và các luật khác có liên quan, ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình.

“Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh là chuẩn mực ứng xử phù hợp với đặc thù chuyên môn, nghề nghiệp của người hành nghề, người hoạt động kinh doanh nhằm bảo đảm liêm chính trong hành nghề, kinh doanh”, Luật PCTN sửa đổi quy định.

Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.

Luật cũng quy định hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích hội viên xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng; giám sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của các hội viên, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Tự kiểm tra phát hiện tham nhũng

Với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện còn phải áp dụng các biện pháp PCTN.

Theo đó, phải công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, chế độ trách nhiệm của người đứng đầu. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Tại Điều 82, Luật PCTN (sửa đổi) cũng quy định rõ, doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước có trách nhiệm tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức mình.

Cơ quan thanh tra khi tiến hành hoạt động thanh tra nếu phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật…

Họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

Theo quy định tại Điều 13, Luật PCTN (sửa đổi) cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ hoặc đột xuất về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; về công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật về báo chí.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đột xuất đối với vụ việc có liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình mà dư luận xã hội quan tâm, trừ trường hợp pháp luật về báo chí có quy định khác.

Cta: Một buổi tọa đàm về công tác phòng, chống tham nhũng được tổ chức tại Hậu Giang.

 

Đ.BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>