Quan tâm hơn đến việc bảo vệ trẻ em

02/06/2020 | 07:59 GMT+7

Thảo luận trực tuyến về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải xây dựng, hoàn thiện, thống nhất hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em để bảo vệ trẻ tốt hơn.

Các đại biểu tại điểm cầu Hậu Giang tham gia phiên thảo luận về chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Thực trạng nhức nhối         

Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2015-2019, cả nước xảy ra 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ bị xâm hại (hơn 19% trẻ em nam, gần 81% trẻ em nữ). Trong đó, có 6.432 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm 73,85%. Đáng lưu ý, 337 trẻ tử vong do bị xâm hại, 418 trẻ bị mang thai, 193 trẻ bị rối loạn tâm thần,…

Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, cho rằng, đó là những con số rất đau lòng. “Bởi những tưởng trẻ em chúng ta được an toàn trong vòng tay yêu thương của người thân thì ngược lại, lại xảy ra trường hợp bà giết cháu, mẹ cha giết con, thầy cô xâm hại học trò, đủ dạng, đủ kiểu...”, đại biểu Mai nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nêu rõ thực trạng nhức nhối hiện này là xâm hại trẻ em diễn ra nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề không chỉ bản thân bị hại mà còn ảnh hưởng cả gia đình và xã hội; không những ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả địa bàn kinh tế, xã hội đang phát triển cũng xảy ra.

Mặt khác, khi trẻ bị xâm hại, việc đưa trẻ đi giám định hoặc đến cơ quan chức năng trình báo chậm trễ, gây khó khăn cho công tác giám định, khó cho xử lý được tội phạm. Có trường hợp bị hăm dọa, khống chế, dụ dỗ vật chất. Cá biệt có trường hợp lúc đầu trình báo với cơ quan công an, sau đó lại nộp đơn khiếu nại, tố cáo, không hợp tác với cơ quan điều tra vì nhiều lý do khác nhau.

Bên cạnh đó, cũng theo nhiều đại biểu, hiện nay công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, một số tội danh, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhiều trường hợp chưa hiệu quả, có hiện tượng phó mặc cho ngành thương binh - xã hội và ngành giáo dục mặc dù đã có quy định rõ ràng trong Luật Trẻ em cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp; đa phần sự việc xảy ra là nhiệm vụ của cơ quan tư pháp, nhất là của công an.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, nếu hiện nay không có sự phối hợp của các ngành thì một mình ngành công an không thể làm tốt được, do đó đoàn thanh niên, hội phụ nữ cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Cần chế tài bảo vệ hiệu quả trẻ em trên môi trường mạng

Cũng tại phiên thảo luận của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, đã phản ánh tình trạng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng với những tác động xấu, mặt trái của môi trường mạng đã đặt ra nhiều nguy cơ, rủi ro đối với trẻ em. Theo đại biểu Thủy, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng với hầu hết là clip bạo lực, xâm hại tình dục.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, hậu quả xảy ra đối với trẻ em xảy ra trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn và rất nghiêm trọng so với các vụ xâm hại ở ngoài xã hội. “Nếu các vụ xâm hại ở ngoài xã hội chỉ vài người chứng kiến thì xâm hại đưa lên mạng hình ảnh xâm hại có thể theo các em suốt cả đời. Trong khi đó, đối với công tác điều tra tội phạm mạng, đối tượng phạm tội lại xuyên biên giới, hầu hết đều thành thạo công nghệ. Nhiều trường hợp thông tin về kẻ phạm tội đều là ảo, mạo danh”, đại biểu Thủy nói.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Thủy, đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cũng cho rằng, nhiều trẻ em vì quá đam mê công nghệ thông tin mà dẫn tới bỏ học, nghiện game, thay đổi tâm sinh lý và tệ hại hơn là đã có trẻ em bị trầm cảm, bị dụ dỗ, bị quấy rối tình dục, bị lôi cuốn vào các trò chơi bạo lực, dẫn đến phải tự tử hoặc vi phạm pháp luật.

Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng, có nguyên nhân từ sự quản lý nhà nước, trong đó có các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ. Các vụ việc vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, xâm phạm quyền, lợi ích trẻ em trên môi trường mạng mà chưa được cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật kịp thời phát hiện và xử lý.

Để bảo vệ có hiệu quả quyền trẻ em trên môi trường mạng, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên và tổ chức thi hành nghiêm túc các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó có nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chế tài kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Nhà nước cũng cần bố trí đầy đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng nói riêng.

Giải trình trước Quốc hội về báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ sẽ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo của Quốc hội về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng để trẻ em Việt Nam được sống và trưởng thành trong một môi trường, điều kiện tốt nhất.

 

Ông Vũ Đức Đam cũng cho biết, hiện Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các đề nghị đã được đoàn giám sát, các đại biểu Quốc hội nêu ra, đặc biệt là việc chuẩn bị Chương trình hành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2021-2030 với sáu nội dung trọng điểm. Trong đó, Chính phủ sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về trẻ em, đầu tư nguồn lực, tăng cường sự phối hợp của các cấp chính quyền, xã hội để hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em, điều tra, xử lý nghiêm những hành vi xâm hại trẻ…

 

ĐÌNH BẢO ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>