Quan tâm nâng chất tuyên truyền pháp luật

17/01/2018 | 09:33 GMT+7

Năm 2017, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đạt nhiều kết quả quan trọng.

Một buổi sinh hoạt, tuyên truyền PBGDPL do Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tổ chức.

Trong năm, toàn tỉnh tổ chức hàng trăm hội nghị tập huấn, phổ biến văn bản pháp luật cho hơn 1.000 lượt người tham dự; biên soạn, phát hành 80.000 tài liệu tuyên truyền pháp luật đến người dân.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành của tỉnh cũng thường xuyên đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền PBGDPL không chỉ ở những hình thức truyền thống mà đã đa dạng bằng hội thi, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, thông qua chuyên mục “Bạn đọc và pháp luật” trên Báo Hậu Giang; chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống” trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; thông qua trợ giúp pháp lý, xét xử lưu động, hòa giải ở cơ sở...

Theo bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Sở Tư pháp, trong năm qua, các mô hình, câu lạc bộ (CLB) pháp luật tiếp tục được củng cố và duy trì sinh hoạt. Toàn tỉnh hiện có 375 CLB, trong đó có 27 CLB trợ giúp pháp lý, 52 CLB phụ nữ với pháp luật, 48 CLB nông dân với pháp luật... Các tổ hòa giải ở cơ sở cũng tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong hòa giải các vụ mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ xảy ra ở địa bàn dân cư.

Đáng chú ý, công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù cũng được chú trọng. Trong năm, Công an tỉnh đã phối hợp mở nhiều lớp giáo dục pháp luật cho 1.000 đối tượng vi phạm và có nguy cơ vi phạm pháp luật; Sở Tư pháp tỉnh phối hợp với UBND phường VII, thành phố Vị Thanh ra mắt mô hình “Phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” cho đối tượng được đặc xá, tha tù, người hưởng án treo, nhằm trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.

Hiện tại, đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh có 147 người, báo cáo viên cấp huyện có 313 người, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã có gần 2.000 người. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thanh Tuyền, lực lượng này tuy có đông nhưng chất lượng còn chưa đồng đều nên ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động PBGDPL.

Theo bà, để công tác tuyên truyền PBGDPL phát huy hiệu quả, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. “Đối tượng cần tuyên truyền sẽ quyết định chất lượng buổi tuyên truyền. Do đó, huy động được đối tượng cần tuyên truyền nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tham dự đông đảo rất cần sự phối hợp của chính quyền, đoàn thể cơ sở nơi tổ chức tuyên truyền nhằm thực hiện tốt khâu vận động người dân tham dự”, bà Tuyền nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành A, bên cạnh kiến thức chuyên môn, người tuyên truyền phải có hiểu biết xã hội, nắm chắc tình hình thực tế ở địa phương, đặc điểm của đối tượng tiếp nhận.

 “Nhiều cán bộ tuyên truyền còn khá trẻ thì khó thu hút người nghe; có khi người nghe còn thuộc luật hơn cả người nói. Phải tập trung đào tạo, lựa chọn cán bộ có chất lượng, đội ngũ tuyên truyền, báo cáo viên dày dặn kinh nghiệm thì mới thật sự mang lại hiệu quả”, ông Đáp cho biết. 

Bên cạnh đó, đổi mới hình thức PBGDPL cũng là vấn đề quan trọng được đặt ra. Yêu cầu quan trọng là đảm bảo tính gần gũi, sinh động, phù hợp với đối tượng tiếp nhận. Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Trần Thị Xuân Trang, không thể phủ nhận vai trò rất lớn của các cơ quan báo chí hiện nay trong công tác PBGDPL. Do đó, thời gian tới, nếu tiếp tục tuyên truyền thông qua hệ thống các cơ quan báo chí, cùng với hệ thống các trang web, trang thông tin điện tử ở tỉnh sẽ mang lại hiệu quả cao cho công tác PBGDPL và đây là điều rất cần được phát huy.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>