Quan tâm thu hồi tài sản tham nhũng

06/02/2018 | 08:11 GMT+7

Qua các đợt tiếp xúc cử tri trên địa bàn tỉnh, cử tri Hậu Giang đánh giá cao việc quan tâm và xử lý kịp thời các vụ án kinh tế, tham nhũng xảy ra trên địa bàn cả nước thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều cử tri còn băn khoăn về việc thu hồi tài sản tham nhũng và cho rằng cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn về vấn đề này. Giải đáp ý kiến của cử tri Hậu Giang, Bộ Công an cho biết:

Cử tri Hậu Giang phản ánh việc thu hồi tài sản tham nhũng tại các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tỉnh.

Trong những năm qua, Bộ Công an đã chủ động tham mưu với Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tập trung chỉ đạo đấu tranh quyết liệt với tội phạm tham nhũng và đạt được kết quả quan trọng, nhiều vụ án tham những đặc biệt nghiêm trọng được điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, trên nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm”, không làm oan, sai, bỏ lọt tội phạm, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Đối với việc thu hồi tài sản bị thiệt hại luôn được các cơ quan tố tụng đặc biệt quan tâm. Qua đó đã áp dụng kịp thời các biện pháp kê biên, thu hồi tài sản tham nhũng và khắc phục hậu quả do tội phạm tham nhũng gây ra nên một số vụ án tài sản được thu hồi đạt tỷ lệ cao như: Vụ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty In - Thương mại và Dịch vụ, Ngân hàng Agribank, thu hồi 94 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 100%; vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Than Tây Nam - Đá Mài thu hồi 95 tỉ đồng, đạt 100%; vụ án “Tham ô tài sản; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Hadico, thu hồi 50,4 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 95%,… Kết quả xử lý, thu hồi, kê biên tài sản tham nhũng đã được công khai trong quá trình xét xử và được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công an, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng nhìn chung hiệu quả còn chưa đạt yêu cầu, nguyên nhân chủ yếu là do đối tượng phạm tội tham nhũng là những người có chức vụ, có ảnh hưởng và quan hệ rộng, thủ đoạn che giấu tinh vi và luôn tìm cách che đậy, gây khó khăn cho việc thu hồi tài sản.

Bên cạnh đó, các vụ án thường xảy ra khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán tài sản tinh vi, hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ dẫn đến điều tra, thu thập chứng cứ, tài liệu gặp nhiều khó khăn. Quy định pháp luật về tài sản hoặc tiền bị tịch thu từ phạm tội còn bất cập, gây khó khăn cho việc thu hồi. Đối với các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài thì việc điều tra, giải quyết rất nhiều khó khăn do nhiều nước Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp, cũng như thiếu quy định về kê khai tài sản ở nước ngoài,…

Trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp tăng cường công tác nắm tình hình, tập trung vào địa bàn, đối tượng, lĩnh vực tiềm ẩn tội phạm tham nhũng như: Lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, đầu tư liên doanh với nước ngoài, các chương trình, dự án kinh tế trọng điểm hoặc các tập đoàn, tổng công ty kinh tế lớn, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng; đối với các vụ án đã khởi tố khẩn trương điều tra, áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước; kết quả xử lý, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng sẽ công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

Bên cạnh đó, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng như: sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về diện đối tượng kê khai tài sản trách nhiệm, chế tài xử lý đối với kê khai tài sản, thu nhập không đúng; quy định giải trình, thu hồi nguồn gốc tài sản bất minh đối với cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng cho phép cơ quan điều tra được tiến hành một số biện pháp nghiệp vụ đối với cán bộ, đảng viên có dấu hiệu phạm tội tham nhũng từ khi tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm.

Mặt khác, ngành cũng sẽ chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm tham nhũng trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; phối hợp với các bộ, ngành chức năng tham gia ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự dẫn độ tội phạm đối với các nước, tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng có yếu tố nước ngoài. 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>