Quy định trong tội “Cố ý gây thương tích” tại Bộ luật Hình sự:

12/03/2018 | 11:03 GMT+7

Về tình tiết là yếu tố định tội đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân

Thời gian qua xuất hiện nhiều trường hợp các bác sĩ, y tá (nhân viên y tế) trong khi đang làm nhiệm vụ cứu chữa bệnh nhân, thì bị người khác tấn công gây thương tích.

Điển hình như vụ việc gần đây khiến dư luận phẫn nộ: Ngày 20-1-2018, tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Yên Bái, hai bác sĩ Phạm Hải Ninh và Hoàng Đức Trung sau khi hoàn thành mổ cho sản phụ, vừa bước ra khỏi phòng mổ thì bị Lê Hồng Nam và nhiều đối tượng khác xông vào dùng đèn pin đánh liên tiếp gây thương tích vào đầu và mắt.

Qua các vụ việc nêu trên, có ý kiến cho rằng: “Trong vụ việc này do đối tượng có hành vi côn đồ, đồng thời việc thực hiện hành vi phạm tội xuất phát từ lý do công vụ của các nạn nhân nên hoàn toàn có thể tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can ngay trong trường hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể của các bác sĩ dưới 11%”.

Với sự việc xảy ra tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Yên Bái, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan pháp luật phải xử lý nghiêm khắc. Đây là điều hết sức cần thiết đáp ứng kịp thời với tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm và bảo vệ tính mạng cho những người làm nhiệm vụ nhân đạo, mang lại lợi ích cho xã hội. Nhưng nếu coi “việc thực hiện hành vi phạm tội xuất phát từ lý do công vụ của các nạn nhân” thì chưa ổn bởi lẽ: Theo nội dung giải thích tại Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày 18-6-2009 và Điều 3 Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17-12-2013 của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, thì những tác nghiệp của các bác sĩ đang thực hiện nhiêm vụ chuyên môn không phải là hoạt động công vụ, chưa kể đến trường hợp nếu bác sĩ bị tấn công đang làm việc tại bệnh viện tư nhân.

Phần lớn những vụ cố ý gây thương tích cho các bác sĩ đang làm nhiệm vụ, người thực hiện hành vi thuộc trường hợp phạm tội “có tính chất côn đồ”, do đó chỉ cần bị hại tổn thương cơ thể dưới 11% và có đơn đề nghị là có đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên trên thực tế còn rất nhiều trường hợp bị hại cũng cần phải được xử lý nghiêm như: công nhân làm vệ sinh môi trường, luật sư thực hiện nhiêm vụ theo chỉ định của các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc theo sự phân công của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, nhà báo đang tác nghiệp nếu họ bị gây thương tích trong khi đang làm nhiệm vụ mà tỷ lệ tổn thương dưới 11%. Người thực hiện hành vi không đủ điều kiện áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” và những tình tiết khác thì họ chỉ bị xử lý hành chính, với chế tài này không đủ sức răn đe.

Để có căn cứ xử lý đối với những trường hợp gây thương tích cho thầy thuốc và những đối tượng nêu trên trong khi chưa thay đổi được các yếu tố cấu thành tội phạm quy định ở tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác và để ổn định khái niệm thi hành công vụ, từ thực tiễn chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng nên có thông tư liên tịch hướng dẫn theo hướng bổ sung vào yếu tố định tội quy định tại điểm g khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự như sau:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình; người đang làm nhiệm vụ được cơ quan, tổ chức giao cho hoặc theo quy định của pháp luật vì lợi ích chung.

Luật gia NGUYỄN THÀNH MINH, Đoàn Luật sư tỉnh Tuyên Quang

Theo qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>