Quy định về lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu

29/11/2018 | 07:50 GMT+7

Lấy phiếu tín nhiệm là việc HĐND thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, đồng thời là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ.

Quang cảnh kỳ họp của HĐND tỉnh Hậu Giang.

Theo Điều 84, Điều 88 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Điều 63 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, thì HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban của HĐND; Chánh Văn phòng HĐND (đối với HĐND cấp tỉnh); Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND.

Để thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, ngày 2-10-2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành  Hướng dẫn số 321 hướng dẫn một số nội dung về việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Theo đó, trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ nêu trên thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với chức vụ cao nhất. Không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ quy định trên có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng, tính đến ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của HĐND.     

Về thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, tại Điều 7, Nghị quyết số 85/2014 của Quốc hội quy định: “Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ”. Theo đó, trong nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào kỳ họp thường lệ cuối năm 2018.

Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 63 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và Điều 9 của Nghị quyết số 85/2014. Riêng đối với HĐND cấp xã do không thành lập tổ đại biểu HĐND thì trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực HĐND cấp xã quyết định việc phân chia thành các tổ để các đại biểu HĐND trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng quy định về trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, cụ thể: Chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND, người được lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo bằng văn bản gửi đến Thường trực HĐND. Thời gian báo cáo được tính từ thời điểm được HĐND bầu.

Về báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm, bên cạnh  kết quả thực hiện các nhiệm vụ được phân công, còn cần bổ sung thêm nội dung tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII); tự đánh giá, kiểm điểm về việc thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 56/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trước ngày lấy phiếu tín nhiệm, nếu đại biểu HĐND có yêu cầu thì người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời bằng văn bản gửi Thường trực HĐND, đại biểu HĐND có yêu cầu (theo quy định tại Điều 9, Nghị quyết số 85/2014).

Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 63 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Điều 10 Nghị quyết số 85/2014 của Quốc hội, nếu người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức.

Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu HĐND trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.

ĐÌNH BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>