Quy định về tài sản bị xâm phạm, thiệt hại về tinh thần được Nhà nước bồi thường

15/08/2018 | 10:25 GMT+7

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành quy định khá chi tiết các thiệt hại được bồi thường nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc và bảo đảm việc giải quyết bồi thường nhanh chóng.

UBND tỉnh triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Hai nội dung thiệt hại do tài sản bị xâm phạm và thiệt hại về tinh thần được quy định cụ thể hơn so với các văn bản luật trước đây.

Về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, trường hợp tài sản đã bị phát mại, bị mất thì thiệt hại được xác định căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản trên thị trường tại thời điểm theo quy định của luật này. Thời điểm để xác định hiện trạng tài sản làm căn cứ tính mức bồi thường là thời điểm thiệt hại xảy ra.

Trong khi đó, tài sản bị hư hỏng thì thiệt hại được xác định là chi phí có liên quan theo giá thị trường tại thời điểm theo quy định của luật này để sửa chữa, khôi phục lại tài sản.

Trường hợp có thiệt hại phát sinh do việc không sử dụng, khai thác tài sản thì thiệt hại được xác định là thu nhập thực tế bị mất. Đối với những tài sản trên thị trường có cho thuê, thu nhập thực tế bị mất được xác định phù hợp với mức giá thuê trung bình 1 tháng của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng, tác dụng và chất lượng tại thời điểm theo quy định; những tài sản trên thị trường không có cho thuê, thu nhập thực tế bị mất được xác định trên cơ sở thu nhập trung bình của 3 tháng liền kề do tài sản bị thiệt hại mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm thiệt hại xảy ra.

Trường hợp các khoản tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các khoản tiền bị tịch thu, thi hành án, khoản tiền đã đặt để bảo đảm theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì phải hoàn trả các khoản tiền đó và khoản lãi cho người bị thiệt hại.

Khi các khoản tiền đó là khoản vay có lãi thì khoản lãi được tính là khoản lãi vay hợp pháp theo Bộ luật Dân sự; các khoản tiền đó không phải là khoản vay có lãi thì khoản lãi được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Dân sự tại thời điểm theo quy định của luật này.

Nếu người bị thiệt hại không thể thực hiện được các giao dịch dân sự, kinh tế đã có hiệu lực và đã phải thanh toán tiền phạt do vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự, kinh tế đó thì thiệt hại được xác định là số tiền phạt theo mức phạt đã thỏa thuận và khoản lãi của khoản tiền phạt đó. Trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì thiệt hại được bồi thường là phần thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết…

Đối với thiệt hại về tinh thần, luật cũng quy định rất rõ ràng.

Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại cấp xã được xác định là 0,5 ngày lương theo mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (ngày lương cơ sở) cho 1 ngày bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại cấp xã.

Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được xác định là 2 ngày lương cơ sở cho 1 ngày bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn trong hoạt động tố tụng hình sự được xác định như sau:

- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được xác định là 2 ngày lương cơ sở. Người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là 5 ngày lương cơ sở cho 1 ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù;

- Trong trường hợp người bị thiệt hại chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo được xác định là 3 ngày lương cơ sở cho 1 ngày chấp hành hình phạt;

- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại đã chấp hành xong hình phạt theo bản án, quyết định của tòa án mà sau đó mới có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó thuộc trường hợp được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự được xác định là 2 ngày lương cơ sở cho 1 ngày chưa có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó thuộc trường hợp được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự…

- Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là 360 tháng lương cơ sở. Trong trường hợp sức khỏe bị xâm phạm được xác định căn cứ vào mức độ sức khỏe bị tổn hại nhưng không quá 50 tháng lương cơ sở; và trong trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật được xác định là 1 ngày lương cơ sở cho 1 ngày bị buộc thôi việc trái pháp luật.

Nhìn chung, các thiệt hại được bồi thường quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước rất chi tiết; các loại thiệt hại cũng như cách thức xác định, căn cứ xác định từng loại thiệt hại được bồi thường mà không quy định khái quát, mang tính nguyên tắc chung.

Trong từng nhóm thiệt hại được bồi thường, luật quy định thêm nhiều loại thiệt hại cụ thể được bồi thường; quy định tăng mức thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong một số trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù; sức khỏe bị xâm phạm; bị khởi tố, truy tố, xét xử mà không bị tạm giữ, tạm giam; bị xét xử, thi hành án cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo mà không bị tạm giữ, tạm giam…

Ngày lương cơ sở được xác định là 1 tháng lương cơ sở chia cho 22 ngày.

 

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>