Quyền của phụ nữ trong pháp luật Việt Nam

22/10/2018 | 08:55 GMT+7

Quyền của phụ nữ được nước ta Hiến định và cụ thể hóa trong các đạo luật. Qua từng giai đoạn lịch sử, quyền của phụ nữ Việt Nam ngày càng rõ và được thực thi đầy đủ.

Phụ nữ Hậu Giang ngày càng bình đẳng với nam giới trong lĩnh vực chính trị. (Trong ảnh: Cán bộ phụ nữ thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A bên chồng giấy khen, bằng khen do các cấp khen tặng).

Hiến pháp 2013 kế thừa các chế định trước, đồng thời sửa đổi, bổ sung, phát triển thể hiện tầm quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có quyền của phụ nữ.

Cụ thể, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn; hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.

“Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”, Điều 26 Hiến pháp quy định.

Chương II, Hiến pháp hiện hành quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, công nhận công dân nói chung, phụ nữ nói riêng có các quyền: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; quyền có nơi ở hợp pháp; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình; quyền bầu cử và ứng cử; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành; quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ; quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; quyền kết hôn, ly hôn; quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh…

Các quyền cơ bản ấy được cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Cư trú, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

Trong đó, Bộ luật Lao động có hẳn một chương quy định về lao động nữ. Theo đó, Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà; có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp…

Pháp luật hôn nhân và gia đình khẳng định nguyên tắc vợ, chồng bình đẳng. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của mình; vợ chồng có nghĩa vụ cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; có nghĩa vụ sống chung với nhau...

Luật Bình đẳng giới nêu, bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó và không bị phân biệt đối xử về giới.

Nhà nước bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình; bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình; áp dụng những biện pháp thích hợp để xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đảm bảo phụ nữ được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, thất nghiệp, mất sức lao động. Lao động nữ được hưởng các chế độ khám thai (nghỉ việc có hưởng lương trợ cấp); nghỉ việc hưởng lương trợ cấp sinh đẻ bằng 100% tiền lương; dưỡng sức sau khi sinh nếu sức khỏe yếu.

Pháp luật hình sự nước ta quy định rất rõ về ưu tiên bảo vệ phụ nữ như: hành vi phạm tội đối với phụ nữ có thai là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; cũng là tình tiết tăng nặng định khung: Giết người mà biết là có thai, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe đối với phụ nữ đang có thai, hành hạ phụ nữ có thai, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đối với phụ nữ mà biết là đang có thai…

Đặc biệt, Bộ luật Hình sự hiện hành còn thể hiện sự khoan hồng, tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong xử lý tội phạm là nữ: người phạm tội là phụ nữ có thai được quy định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử; không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi...

Bộ luật Lao động nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ; phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam, nữ về tuyển dụng, sử dụng, nâng bậc lương và trả công lao động; lao động nữ được dành thời gian trong thời gian lao động để cho con bú, làm vệ sinh phụ nữ; không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì kết hôn, có thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

 

T. T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>