Quyền riêng tư của công dân được pháp luật bảo vệ

10/10/2018 | 08:36 GMT+7

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (bí mật đời tư) là một trong những quyền công dân cơ bản, quan trọng nhất được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.

Theo quy định pháp luật, công dân có quyền được bảo vệ bí mật riêng tư về sức khỏe, bệnh tật trong quá trình khám, chữa bệnh.

Quyền riêng tư có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử và nó sơ khai xuất hiện cùng với sự ra đời của Nhà nước, trong xã hội chiếm hữu nô lệ và phát triển cho đến ngày nay.

Quyền riêng tư đã trở thành một trong những quyền con người quan trọng nhất. Các vấn đề về quyền riêng tư đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là quyền con người cần được bảo vệ.

Hiện nay, đa số các nước đều xác định quyền riêng tư trong hiến pháp. Quy định tối thiểu nhất là quyền bất khả xâm phạm về nơi ở và bí mật thông tin liên lạc. Gần đây, một số hiến pháp các nước còn có quy định cụ thể về quyền tiếp cận và kiểm soát thông tin cá nhân.

Khoản 1, Điều 21 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 nêu rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể quyền bí mật đời tư tại Điều 38 như sau: “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Người làm lộ bí mật đời tư của người khác với tính chất nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định về “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” tại Điều 159.

Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của bộ luật này”.

Liên quan đến bí mật sức khỏe của cá nhân, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân quy định về trách nhiệm của thầy thuốc trong việc giữ bí mật về những điều có liên quan đến bệnh tật hoặc đời tư mà mình được biết về người bệnh.

Nhằm bảo vệ bí mật đời tư trong giao dịch điện tử, Luật Giao dịch điện tử quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Có thể thấy, những quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng như những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về bảo vệ quyền riêng tư khá đầy đủ và phù hợp. Quy định của pháp luật Việt Nam không chỉ ghi nhận và thể hiện sự tôn trọng các quyền bí mật thư tín, bí mật đời tư, quyền được bảo vệ danh dự, uy tín và quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở mà còn đề ra các biện pháp để bảo vệ những quyền này. Các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí xử lý hình sự đã được đặt ra để bảo vệ các quyền nói trên khỏi sự xâm phạm.

Pháp luật Việt Nam cũng đã chế định về phạm vi, căn cứ, trình tự, thủ tục chặt chẽ đối với những trường hợp được phép tiến hành những hành vi có khả năng ảnh hưởng đến nhóm quyền này. Ví dụ như việc khám người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm hoặc việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện,… chỉ được tiến hành trong trường hợp luật định và tuân thủ các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục.

Và nêu quy định việc khám người, khám chỗ ở,… phải do người có thẩm quyền tiến hành, phải có người làm chứng và phải lập biên bản. Riêng biện pháp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cũng được xác định rõ là chỉ được tiến hành khi có quyết định bằng văn bản, trừ trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy.

Trong một số trường hợp, người thi hành công vụ được tiến hành khám khi chưa có quyết định, nhưng phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng hình sự phải theo đúng quy định của pháp luật.

ĐÌNH BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>