Rủi ro từ hụi

27/05/2020 | 08:07 GMT+7

Hụi là một hình thức huy động vốn phổ biến trong dân, song do mang tính tự phát, chủ yếu dựa vào lòng tin nên việc chơi hụi tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Công an đọc lệnh bắt tạm giam một chủ hụi trên địa bàn xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chơi hụi từ lâu là một hình thức góp vốn hiệu quả. Bởi thông qua đó, các thành viên (hụi viên) trong nhóm dễ dàng có được khoản tiền kha khá bằng cách “góp tiền lẻ thành tiền chẵn” và chịu lãi từ những người tham gia. Ưu điểm của góp hụi là giúp hụi viên huy động vốn dễ dàng, thuận tiện hơn vay. Khi tham gia vào một nhóm nhất định, sẽ có người đứng ra làm chủ hụi.

Những vụ vỡ hụi lớn

Hiện Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể các nguyên tắc về tổ chức hụi. Nghị định số 19/2019 của Chính phủ cũng quy định chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú khi tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ hai dây hụi trở lên…

Tuy nhiên, trên thực tế, sự hiểu biết và chấp hành quy định của các chủ hụi và hụi viên còn nhiều hạn chế. Phần lớn việc thỏa thuận mở hụi, kêu hụi, giao nhận tiền hụi là thỏa thuận miệng dựa trên uy tín, sự tin tưởng lẫn nhau; không hợp đồng, sổ sách, chứng từ. Do đó, nếu chủ hụi có sự gian dối ngay từ đầu, lập chân hụi khống hay còn gọi là “hụi ma” để lừa các hụi viên thì nguy cơ vỡ hụi là chuyện sớm muộn.

Đơn cử vào tháng 4-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Long Mỹ đã bắt tạm giam chủ hụi Lê Thị Khoa, trú tại ấp 9, xã Lương Tâm, để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo kết quả điều tra, bà Khoa bắt đầu làm chủ hụi để hưởng hoa hồng từ năm 2009. Hụi viên tham gia các dây hụi do bà Khoa tổ chức không chỉ ở địa bàn huyện Long Mỹ mà còn có nhiều người ở thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, đến tháng 7-2019, bà Khoa bất ngờ tuyên bố vỡ hụi khiến nhiều hụi viên điêu đứng, tố cáo bà có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.

Bước đầu cơ quan công an xác định, bà Khoa đã lợi dụng việc các hụi viên không tham gia khui hụi đầy đủ khi mở hụi để mạo tên hụi viên hốt hụi, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 700 triệu đồng của 3 dây hụi, sử dụng vào việc lấp hụi và tiêu xài cá nhân.

Tương tự vào cuối năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cũng đã bắt tạm giam chủ hụi Nguyễn Thị Mỹ Duyên, trú xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, do có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bởi theo cơ quan công an, từ năm 2016 đến năm 2018, bà Duyên tổ chức nhiều dây hụi tháng có các hụi viên trên địa bàn huyện Châu Thành và vùng lân cận tham gia. Sau đó, chiếm đoạt số tiền hơn 1,1 tỉ đồng để trả nợ vay do chăn nuôi thua lỗ và lấp hụi cho một số hụi viên đã hốt hụi nhưng không đóng hụi chết.

Là một trong những nạn nhân của vỡ hụi nêu trên, ông T., ngụ ấp Thạnh Thới, xã Đông Thạnh, bức xúc cho biết: “Cô Duyên làm chủ hụi được nhiều năm, hàng tháng đều giao tiền hụi đầy đủ, cũng là người có uy tín ở địa phương nên tôi và bà con ở nơi đây tin tưởng góp tiền chơi hụi. Khi xảy ra bể hụi tôi rất bất ngờ…”.

Cần tuân thủ quy định

Thực tế hiện nay, nhiều hụi viên vì tin tưởng vào sự quen biết, uy tín của chủ hụi và bị hấp dẫn bởi tiền lời lớn nên tham gia chơi hụi. Đồng thời, khi chơi hụi, các hụi viên chỉ nhớ các lần đóng hụi và bao nhiêu chân hụi để quy ra tiền chứ không có chứng từ ghi nợ rõ ràng. Đến khi hụi viên hốt hụi mà chủ hụi có dấu hiệu hẹn lần hẹn lựa, đến nhà tìm không gặp, điện thoại không bắt máy hoặc không liên lạc được nghĩa là có nguy cơ bể hụi.

Vì vậy, khi sự việc được tố cáo đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng thì chủ hụi đã không còn tài sản hay bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Từ đó, các hụi viên thường lâm vào cảnh trắng tay, không nhận lại được hoặc chỉ nhận phần ít số tiền mà hụi viên đã góp.

Những vụ vỡ hụi gây xôn xao dư luận thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh thực sự là lời cảnh báo đối với những ai đã và đang tham gia hình thức huy động vốn có lãi này. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi xảy ra tranh chấp từ việc chơi hụi, ông Nguyễn Văn Bé, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, khuyến cáo khi chơi hụi, mọi người nên có sổ sách ghi chép theo dõi quá trình chơi và yêu cầu chủ hụi cung cấp các chứng từ có liên quan như ghi biên nhận có ký tên giao nhận tiền, ngày tháng giao nhận tiền, số tiền giao nhận…

“Người dân nên lập hợp đồng chơi hụi có xác nhận của chính quyền địa phương. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để đảm bảo quyền lợi của người chơi khi xảy ra vỡ hụi. Đối với việc chiếm đoạt tiền của hụi viên, các chủ hụi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015”, ông Bé nhấn mạnh.

Rõ ràng, việc chơi hụi có tính rủi ro rất cao nên khi người dân muốn tích lũy, sinh lợi tiền từ chơi hụi cần phải tìm hiểu và thực hiện đúng những quy định của pháp luật để bảo vệ tài sản của mình, tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>