Sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính để hoàn thiện hơn

21/03/2019 | 08:51 GMT+7

Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, là cơ sở pháp lý góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính. Song qua 5 năm triển khai thực hiện, một số bất cập của luật đã phần nào hạn chế hiệu lực XLVPHC...

XLVPHC tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số vướng mắc.

Triển khai thi hành nghiêm túc

Thực hiện Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành, những năm qua, các cấp, ngành ở tỉnh đã tăng cường triển khai thi hành, quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về XLVPHC cho người dân theo từng đối tượng, địa bàn.

Trong 5 năm, trung bình mỗi năm, cơ quan các chức năng ở tỉnh phát hiện trên 23.000 vụ vi phạm hành chính, trong đó, tỷ lệ quyết định xử phạt vi phạm được thi hành đạt trên 95%.

Vi phạm pháp luật về hành chính trên địa bàn tỉnh xảy ra đa dạng với các hành vi, tập trung nhiều ở một số lĩnh vực trật tự an toàn giao thông; quản lý hành chính về trật tự xã hội; lấn, chiếm đất, sử dụng đất không đúng mục đích; xây dựng công trình trái phép; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; vi phạm về giá, nhãn mác hàng hóa và an toàn thực phẩm...

Đại đa số các vụ vi phạm xảy ra cơ bản được phát hiện, xử lý kịp thời, đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục quy định; đáp ứng yêu cầu công tác quản lý của Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa phương.

Một số quy định chưa phù hợp

Tại khoản 3, Điều 60 Luật XLVPHC quy định, thời gian tạm giữ tang vật để xác định giá trị không quá 24 giờ, nếu cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng cũng không quá 24 giờ. Thời gian này, theo Sở Tư pháp là không phù hợp vì việc lập hội đồng định giá, tổ chức định giá với những vụ vi phạm mà tang vật là hàng hóa nhập lậu có giá trị cao, phức tạp và trong khoảng thời gian 24 giờ là khá khó khăn.

Còn lĩnh vực xử phạt vi phạm giao thông, trên thực tế, số phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ thời gian qua khá lớn, dẫn tới tình trạng quá tải, quản lý gặp nhiều khó khăn.

Tính đến hết năm 2018, tại các điểm giữ phương tiện vi phạm của phòng cảnh sát giao thông đường bộ và đội cảnh sát giao thông công an các địa phương, phương tiện vi phạm bị tạm giữ quá thời hạn là hơn 5.000, chủ yếu là xe mô tô.

Để có thể đấu giá và sung công quỹ số phương tiện “vô chủ” trên, quá trình tiến hành xác minh rất mất thời gian vì có trường hợp phương tiện được mua bán qua nhiều chủ sở hữu, phương tiện bị thay đổi kết cấu... Trong khi đó, một số phương tiện có giá trị thấp hoặc không còn giá trị, không đủ điều kiện kỹ thuật để tham gia giao thông nhưng vẫn phải tiến hành đầy đủ các trình tự, thủ tục quy định.

Hay quy định tại Điều 62, Luật XLVPHC về việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là quy định khá rõ nhưng chưa nêu khi chuyển sang cơ quan điều tra thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ do cơ quan nào quản lý, chi phí do ai chi trả, thời hạn, thủ tục tạm giữ trong trường hợp này giải quyết như thế nào?

Điều 70, Luật XLVPHC quy định thời hạn gửi quyết định XPVPHC trong vòng 2 ngày cũng khó thực hiện do quyết định XPVPHC nhiều, nhiều đối tượng vi phạm không có nơi cư trú ổn định hoặc ít có mặt tại địa phương hay địa chỉ ghi trong giấy tờ khác với địa chỉ cư trú thực tế.

Cần thiết sửa đổi

Theo báo cáo đánh giá 5 năm thi hành Luật XLVPHC, đa số đối tượng vi phạm đều nhận thức được hành vi của mình, có ý thức chấp hành nghiêm quyết định xử phạt. Với các quyết định chưa thi hành, nguyên nhân chủ yếu do không có nơi cư trú ổn định, người lao động hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp nên không có khả năng nộp phạt.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm hành chính diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi trên các lĩnh vực đời sống xã hội, chủ yếu về an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, kinh doanh, đất đai, xây dựng.

Thực tế cũng cho thấy, một số mức phạt tiền chưa tương xứng với tính chất, hậu quả gây ra như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường... Trong một số trường hợp, hình phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm nặng hơn hình thức xử phạt chính là phạt tiền, khiến người vi phạm bỏ tài sản, không chấp hành quyết định xử phạt.

Trong lĩnh vực giao thông đường thủy, tài nguyên, môi trường, khi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm lại không có đủ điều kiện bến bãi, nhà kho để quản lý. Có một số trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thường không hợp tác, hoặc không đủ điều kiện, không có tài sản để kê biên, thậm chí có vụ việc tài sản cưỡng chế không đủ để bù đắp chi phí tổ chức cưỡng chế...

Những bất cập trên cần được sửa đổi, bổ sung để tạo hành lang pháp lý thống nhất, phù hợp cho việc xử lý vi phạm hành chính. Được biết, dự kiến Luật XLVPHC (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp cuối năm 2019.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>