Tăng cường hậu kiểm việc chấp hành pháp luật về môi trường

21/06/2017 | 07:38 GMT+7

Đây là giải pháp quan trọng nhằm giúp cho việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm theo kết luận thanh, kiểm tra từ ngành chức năng.

Cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Văn Nhân đã khắc phục vi phạm theo đề nghị của đoàn kiểm tra.

Cuối năm 2016, Tổng Cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra một số đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Qua đó, có nhiều đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Nhiều doanh nghiệp bị xử phạt

Điển hình như Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex chuyên chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu bị Tổng Cục Môi trường ra quyết định xử phạt trên 300 triệu đồng về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 2 đến dưới 5 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 400m3/ngày đến dưới 600m3/ngày (24 giờ) theo Điều 13 Nghị định số 179 của Chính phủ. Đồng thời buộc công ty phải có biện pháp khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường, cải tạo và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải trước khi xả ra môi trường…

Đến nay, Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex đã nộp phạt và khắc phục tình trạng vượt quy chuẩn cho phép. Hệ thống xử lý nước thải của công ty đang hoạt động ổn định, kết quả phân tích của tất cả các chỉ tiêu thông số nước thải đều đạt theo quy chuẩn nước thải chế biến thủy sản.

Tương tự, Công ty Cổ phần Thủy sản Nam Sông Hậu chuyên chế biến thủy sản cũng bị Tổng Cục Môi trường xử phạt trên 300 triệu đồng về xả nước thải vượt chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 2 lần đến dưới 5 lần. Ngoài ra, công ty không có giấy xác nhận đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án (nhà máy chế biến tôm 15 tấn/ngày và kho lạnh 10.000 tấn/ngày). Công ty đã đi vào hoạt động từ năm 2012 (thời điểm kiểm tra hơn 2 năm) nhưng chưa có giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo quy định.

Do đó, Tổng Cục Môi trường buộc Công ty Cổ phần Thủy sản Nam sông Hậu phải hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, đảm bảo các loại chất thải phát sinh phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải; hoàn thiện hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường gửi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để được xác nhận theo quy định…

Phạt nặng khi chưa khắc phục

Quý I năm 2017, huyện Vị Thủy thành lập đoàn kiểm tra tại 20 đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, đa số các đơn vị, cơ sở vi phạm về sử dụng đất chưa đúng mục đích, thiếu báo cáo quan trắc môi trường… Sau đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chủ động phối hợp với các ngành liên quan phúc tra lại và ghi nhận nhiều cơ sở, đơn vị đã khắc phục xong.

Trường hợp cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Văn Nhân, ở ấp 9, xã Vị Thắng, do xây dựng trên phần đất vườn chưa đúng mục đích sử dụng, thiếu báo cáo quan trắc môi trường nên đoàn đề nghị cửa hàng sắp xếp hàng hóa cho gọn gàng trong quá trình kinh doanh và khắc phục những vi phạm trên.

 Ông Nguyễn Văn Nhơn, chủ cửa hàng giải thích: “Trước đây, tôi định chuyển mục đích sử dụng đất nhưng buôn bán nhiều không có thời gian đi làm. Vừa qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiểm tra cho rằng cơ sở còn vi phạm. Nay tôi khắc phục xong bằng cách thuê tư vấn báo cáo quan trắc môi trường năm 2017; cửa hàng đã sắp xếp, phân loại hàng hóa gọn gàng; bố trí các thùng chứa chất thải nguy hại, có phân loại theo quy định và nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định”.

Ông Nguyễn Văn Truân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vị Thủy, nói: “Qua hậu kiểm, hầu hết các cơ sở đã khắc phục xong về đăng ký cam kết bảo vệ môi trường. Đa số cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên phát sinh khí thải tương đối ít, chủ yếu là rác thải thông thường cùng các loại bao bì, thùng giấy đựng chai thuốc bảo vệ thực vật”.

Để công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đạt hiệu quả cao, thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường cho các cơ sở, đơn vị sản xuất kinh doanh. Ông Hồ Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho rằng: “Khi phát hiện những cơ sở, đơn vị vi phạm thì đoàn kiểm tra đều cho thời gian khắc phục. Sau đó có hậu kiểm, nếu chưa khắc phục thì xử phạt vi phạm hành chính với tình tiết tăng nặng”.

Bài, ảnh: PHI YẾN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>