Tăng cường hơn nữa kiểm sát các vụ việc dân sự

10/08/2018 | 08:08 GMT+7

Những tháng đầu năm, công tác kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (vụ việc dân sự) ở tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Ngành kiểm sát Hậu Giang đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm.

Kiểm sát viên (trái) thị xã Ngã Bảy trao đổi nghiệp vụ với cán bộ công an địa phương trong giải quyết án.

Trong đó, sẽ quan tâm hơn nữa kiểm sát việc tuân theo pháp luật của tòa án, người tiến hành tố tụng của tòa án, người tham gia tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong suốt quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Cụ thể là từ khi tòa thông báo trả lại đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự; từ khi thông báo thụ lý vụ việc dân sự đến khi bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự của tòa án có hiệu lực pháp luật mà không có kháng nghị, không có yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại theo quy định về tố tụng dân sự.

Thực hiện đầy đủ, có chất lượng và hiệu quả hơn các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị; chú trọng quyền yêu cầu tòa xác minh, thu thập chứng cứ khi nhận thấy chưa có đủ căn cứ để giải quyết vụ việc một cách đúng đắn, khách quan.

Phân công kiểm sát viên tham gia 100% phiên tòa, phiên họp thuộc trường hợp viện kiểm sát phải tham gia theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; trong phân công, ngoài tên kiểm sát viên chính, cần phân công kiểm sát viên dự khuyết. Sau khi nhận được bản án, quyết định do tòa chuyển đến, kiểm sát viên phải kiểm sát và lập phiếu kiểm sát bản án, quyết định giải quyết của tòa án và gửi ngay phiếu kiểm sát bản án, quyết định kèm theo bản án, quyết định đó cho viện kiểm sát cấp trên.

Ngành cũng sẽ nâng cao số lượng, chất lượng và tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm trên số lượng vụ việc bị tòa án hủy, sửa; số lượng, chất lượng công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; tăng cường kháng nghị phúc thẩm, gắn trách nhiệm của viện trưởng viện kiểm sát nhân dân 2 cấp trong việc kháng nghị phúc thẩm các bản án, quyết định của tòa án cùng cấp; hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp bản án, quyết định bị sửa, hủy có trách nhiệm của viện kiểm sát nhưng không được phát hiện để thực hiện quyền kháng nghị.

Viện kiểm sát 2 cấp trong phạm vi thẩm quyền cũng đã và sẽ chú trọng công tác kháng nghị phúc thẩm, phối hợp chặt chẽ hoạt động của kiểm sát viên trước, trong và sau phiên tòa sơ thẩm với việc kiểm sát bản án, quyết định của tòa để phát hiện vi phạm, bảo đảm kháng nghị phúc thẩm tăng cao cả về số lượng và chất lượng. Trường hợp không còn thời hạn để xem xét, kháng nghị phúc thẩm theo thẩm quyền của viện kiểm sát cấp sơ thẩm thì sẽ kịp thời báo cáo viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, kèm theo hồ sơ kiểm sát và hồ sơ chính (nếu có).

Hai cấp kiểm sát ở tỉnh sẽ tăng cường giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; chủ động, linh hoạt trong việc đề ra và tổ chức thực hiện các biện pháp; nâng tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; không để xảy ra trường hợp đơn đã thụ lý nhưng để hết thời hạn kháng nghị vẫn không được giải quyết và đơn tồn đọng do lỗi chủ quan.

Trong phạm vi nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có trách nhiệm kịp thời phát hiện các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án thuộc thẩm quyền kiểm sát nhưng có sai sót, vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới để báo cáo viện kiểm sát cấp cao kháng nghị theo thẩm quyền, kèm theo hồ sơ kiểm sát và hồ sơ chính (nếu có), kể cả trường hợp bản án và quyết định đang được xem xét, giải quyết để kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nhưng không còn thời hạn.

Từ nay đến cuối năm, viện kiểm sát nhân dân 2 cấp cũng tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kiến nghị. Trong quá trình thực hiện, đơn vị có trách nhiệm nghiên cứu, phát hiện, tổng hợp những vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng của tòa án chưa đến mức kháng nghị mang tính cá biệt hoặc vi phạm mang tính phổ biến để thực hiện quyền kiến nghị yêu cầu tòa án khắc phục vi phạm theo quy định. Chú trọng phát hiện những vi phạm trong công tác quản lý là điều kiện làm phát sinh các tranh chấp phức tạp để kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan có liên quan để yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục, phòng ngừa vi phạm nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật.

Về tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, 2 cấp kiểm sát sẽ chủ động nhiều hơn trong phối hợp với tòa án cùng cấp lựa chọn các vụ án điển hình, các vụ án phức tạp ở địa phương để tiến hành nhằm tạo điều kiện để các kiểm sát viên cọ xát thực tế, nâng cao kỹ năng tham gia phiên tòa, tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự. Trong quá trình thực hiện chú trọng tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát hiện qua hoạt động thực tiễn, kịp thời báo cáo viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật cho phù hợp.

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>