Tăng cường quản lý tốt người có nguy cơ phạm pháp

25/12/2017 | 07:55 GMT+7

Quản lý, cảm hóa, giáo dục những người có nguy cơ phạm pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi, là nền tảng trong công tác phòng ngừa tội phạm. Xác định được tầm quan trọng của công tác này, UBND thành phố Vị Thanh đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể và công an tham gia quản lý 396 người có tiền án, tiền sự, những người có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Lãnh đạo Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị về nâng cao công tác phối hợp quản lý người có biểu hiện phạm pháp trên địa bàn thành phố Vị Thanh.

Đến nay, công tác này đạt nhiều kết quả quan trọng, nhận thức của người thuộc diện quản lý được nâng lên, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.

Thấm mệt, người vã mồ hôi nhưng anh Nguyễn Thanh Tuấn, ngụ khu vực 5, phường VII, vẫn nhanh tay bón hết số phân còn lại cho 3 công cam sành đã gần 5 tháng tuổi.

Qua tìm hiểu được biết, cách đây gần 2 năm, anh Tuấn bị bạn bè lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy. Sau đó, anh bị công an lập hồ sơ và UBND phường VII ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương. Anh đã viết đơn xin tự nguyện cai nghiện tại gia đình. Thời gian này, anh được trưởng khu vực 5 và cán bộ nông dân phường quản lý, giáo dục, giúp đỡ. Sau đó, giới thiệu để anh được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Với số tiền này cùng với 3 công đất gia đình hỗ trợ, anh trồng được 1.000 cây cam sành và chăn nuôi tại nhà. “Nhớ lại thời gian trước tôi thấy rất hối hận vì hành vi mình gây ra. Khoảng thời gian cai nghiện, tôi không có việc làm, cuộc sống rất khó khăn. Giờ đây, được địa phương quản lý, giúp đỡ, hỗ trợ vay vốn làm ăn, tôi quyết tâm làm lại cuộc đời. Hiện giờ cuộc sống của tôi cũng đã ổn định. Tôi sẽ cương quyết nói không với ma túy và khuyên nhủ các anh em, bạn bè đừng vướng vào ma túy như tôi trước đây”, anh Tuấn nói.

Đây là 1 trong 76 trường hợp nghiện ma túy, sau đó có việc làm ổn định và được loại ra khỏi diện quản lý, tái hòa nhập với cuộc sống cộng đồng ở thành phố Vị Thanh.

Công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục những người có nguy cơ vi phạm pháp luật còn được các địa phương khác trên địa bàn thành phố thực hiện khá tốt. Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND xã Vị Tân, chia sẻ: “Qua xem xét từng loại đối tượng, độ tuổi, giới tính từ danh sách do Công an xã cung cấp, UBND xã đã phân công cụ thể cho các ngành, đoàn thể quản lý, giáo dục. Chúng tôi chỉ đạo các ngành phối hợp với lực lượng công an thường xuyên gặp gỡ, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương đến những trường hợp này. Vì thế, đến nay có 8 trong tổng số 14 đối tượng được loại khỏi diện quản lý”.

Còn thiếu tá Nguyễn Hồng Vinh, Trưởng Công an phường IV, nêu ý kiến: “Trong công tác này, chúng tôi quan tâm kiểm tra xem ngành nào không đến gặp đối tượng hoặc không gởi báo cáo định kỳ về diễn biến của các trường hợp nghiện được quản lý thì sẽ báo cáo đến Đảng ủy phường chấn chỉnh. Đồng thời, đề xuất đưa công tác quản lý, giáo dục đối tượng là một trong những tiêu chí đánh giá ngành, cá nhân có thẩm quyền về mức độ hoàn thành nhiệm vụ”.

Chính các biện pháp quyết liệt mà trong 396 người được phân công quản lý ở thành phố, sau 1 năm đã có 310 trường hợp được loại khỏi diện quản lý, trong đó có 85 người tiến bộ, 76 người có việc làm ổn định. So thời gian liền kề, số vụ tội phạm về trật tự xã hội giảm 4, tệ nạn xã hội giảm 50%.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác này vẫn còn những hạn chế. Dự hội nghị sơ kết 1 năm công tác phối hợp quản lý đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố vừa qua, đại tá Phan Hoàng Lắm, Giám đốc Công an tỉnh, cho rằng: “Dù các ngành, đoàn thể đã có nhiều cố gắng trong phối hợp, quản lý người có biểu hiện vi phạm pháp luật, tuy nhiên vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho lực lượng công an, xem đó là trách nhiệm của riêng ngành này, việc phối hợp còn mang tính hình thức, thiếu linh hoạt, sáng tạo nên hiệu quả công tác phối hợp quản lý đôi lúc chưa đạt yêu cầu”.

“Do những người được quản lý đi làm ăn xa, vắng mặt tại địa phương, một số thì mặc cảm, e ngại nên công tác quản lý, giáo dục cũng như đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả giúp đỡ những trường hợp này còn gặp nhiều khó khăn”, chị Lê Thị Mỹ Châu, Bí thư Đoàn phường I, nhận định.

“Bên cạnh vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm thì việc tiếp cận nguồn vốn vay cho những người thuộc diện quản lý cũng gặp khó. Qua rà soát thì nhu cầu vay vốn nhiều nhưng con số được giải quyết thực tế lại ít. Hơn nữa, đối với những người thuộc diện quản lý có liên quan đến ma túy thì bản thân những người đó phải có phương án làm ăn hiệu quả thì ngân hàng mới cho vay”, bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Vị Thanh, thông tin.

Thực tế, giải quyết được vấn đề việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người nghiện ma túy đang trong diện quản lý chính là cách giúp họ trở thành công dân có ích cho xã hội và kéo giảm nguy cơ vi phạm pháp luật tại địa phương. “Về chuyên môn, nghiệp vụ, công an thành phố và các xã, phường cần tiếp tục tham mưu đề xuất với đảng ủy, UBND theo dõi chặt công tác này; quan tâm có những giải pháp, đánh giá, chấn chỉnh để việc phối hợp quản lý những người có nguy cơ vi phạm pháp luật được hiệu quả hơn trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, nhấn mạnh.

HOÀI XUYÊN - PHƯƠNG BÌNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>