Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; giáo dục pháp luật trong thanh, thiếu niên

24/04/2018 | 08:46 GMT+7

Hai nội dung này được UBND tỉnh xác định tập trung trong năm nay; riêng trong thanh, thiếu niên được tiến hành đến năm 2020.

Chi đoàn ấp Mỹ Chánh, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp thường xuyên tuyên truyền pháp luật trong đoàn viên, thanh niên.

Góp phần nâng cao nhận thức về các quyền của người khuyết tật

Đẩy mạnh thực hiện các chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn là tập trung các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về các quyền của người khuyết tật có khó khăn về tài chính, điều kiện tiếp cận với dịch vụ này.

Trong đó, sẽ tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý với hình thức phù hợp tại nơi cư trú, sinh sống của người khuyết tật có khó khăn về tài chính, đặc biệt là trợ giúp trong các vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình; tăng cường phối hợp với UBND cấp xã nơi có người khuyết tật, hội người khuyết tật, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để phát hiện nhu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính và giới thiệu người này đến trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi họ yêu cầu.

Song song đó là đẩy mạnh các hình thức truyền thông phù hợp cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính theo luật định; thực hiện lồng ghép truyền thông cho đối tượng này trong các chương trình, đề án khác về người khuyết tật ở địa phương. Xây dựng và lắp đặt bản tin, tờ thông tin về trợ giúp pháp lý, hộp tin trợ giúp pháp lý trong đó có nội dung về quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính tại trụ sở hội người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội…

Công tác nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý đối tượng trên cũng phải được tăng cường; gắn với đó là theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đảm bảo hiệu quả về trợ giúp pháp lý.

Sở Tư pháp là đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện có chất lượng công tác này. Việc triển khai thực hiện phải đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính và kế hoạch thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật…

Giảm 10-20% thanh, thiếu niên phạm pháp

UBND tỉnh xác định tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong thanh, thiếu niên đến năm 2020 với chỉ tiêu cụ thể như trên.

Ngoài ra, còn có các chỉ tiêu: Phấn đấu 100% thanh niên là công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang được tuyên truyền, phổ biến về các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; về quyền, nghĩa vụ công dân; chính sách, pháp luật về thanh niên.

Đến năm 2020, có từ 60-90% thanh, thiếu niên đặc thù (nông thôn, khuyết tật, bạo lực gia đình, công nhân…) được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến quyền, nghĩa vụ và đời sống, công việc của từng đối tượng, từng địa bàn; phấn đấu từ 80% trở lên thanh, thiếu niên tự do, sinh sống, lao động tại địa bàn cư trú được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật phù hợp…

Để đảm bảo các chỉ tiêu trên được thực hiện đạt, các ngành, các cấp, các đơn vị liên quan cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp. Trong đó, cần thông tin, phổ biến pháp luật; phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật, kết quả, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho thanh, thiếu niên trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật cho thanh, thiếu niên hoặc thi về giải pháp tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên bằng hình thức trực tuyến, sân khấu hóa…

Khuyến khích, huy động các tổ chức hành nghề về pháp luật, tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật, cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp tham gia phổ biến, tư vấn, trợ giúp về pháp luật cho thanh, thiếu niên (ưu tiên thanh, thiếu niên đặc thù) thông qua tổ chức các chương trình/hoạt động tình nguyện, miễn phí hướng về cơ sở.

Quan tâm tiếp tục triển khai thực hiện đề án nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Các cơ quan chức năng và địa phương hàng năm chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện các nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên khuyết tật, người lao động trong doanh nghiệp, nạn nhân mua bán người, nạn nhân bạo lực gia đình, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính... Đồng thời, tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, chương trình đối thoại trao đổi, góp ý dự thảo chính sách, pháp luật để huy động, phát huy trí tuệ của thanh, thiếu niên tham gia ngay từ khâu hoạch định chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến thanh, thiếu niên; quan tâm rà soát, nhân rộng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho thanh, thiếu niên…  

T.T tổng hợp 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>