Tháng 1-2019, nhiều chính sách được áp dụng

03/01/2019 | 08:45 GMT+7

Hàng loạt chính sách quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp, chính trị, xã hội... sẽ có hiệu lực từ tháng 1-2019.

Từ ngày 1-1-2019, lương tối thiểu cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp sẽ tăng từ 160.000 đồng đến 200.000 đồng.

Tăng lương tối thiểu vùng

Nghị định số 157/2018 của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu vùng từ năm 2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1. Theo đó, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được hưởng mức lương tối thiểu cao hơn từ 160.000 đồng đến 200.000 đồng tùy từng vùng.

Cụ thể, lao động làm việc tại doanh nghiệp ở vùng I được áp dụng mức lương tối thiểu mới 4,18 triệu đồng/tháng, tăng 200.000 đồng.

Người lao động tại vùng II được hưởng mức lương tối thiểu 3,71 triệu đồng, tăng 180.000 đồng mỗi tháng. Đối với vùng III, người lao động được tăng 160.000 đồng mỗi tháng lên mức 3,25 triệu đồng (Hậu Giang bao gồm thị xã Ngã Bảy, huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A); và vùng IV (Hậu Giang bao gồm các huyện, thị xã, thành phố còn lại) được tăng lên 2,92 triệu đồng.

Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

Đối với doanh nghiệp có chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì chi nhánh ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng với địa bàn đó. Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

Hiệp định CPTPP có hiệu lực

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được Quốc hội phê chuẩn thông qua vào ngày 12-11-2018 sẽ có hiệu lực từ 14-1-2019.

Trước Việt Nam, 6 nước đã phê chuẩn CPTPP là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Hiệp định có hiệu lực với 6 nước này vào ngày 30-12-2018.

Tham gia hiệp định này, Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế; cam kết đối với hoạt động mua sắm công; cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước; cam kết cho phép người lao động thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; cam kết về vấn đề môi trường, thương mại điện tử...

Việt Nam sẽ sửa một số luật và nghị định trong quá trình rà soát pháp luật để phù hợp với các quy định của CPTPP, áp dụng trực tiếp nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh; giúp nâng cao trình độ và năng lực cạnh tranh của hàng Việt; đồng thời, thu hút đầu tư có hàm lượng công nghệ cao.

Xử lý đơn tố cáo nặc danh trong một số trường hợp

Từ ngày 1-1, Luật Tố cáo năm 2018 (thay thế cho Luật Tố cáo năm 2011) chính thức có hiệu lực, với một số điểm mới đáng chú ý.

Cụ thể, khoản 3, Điều 24 quy định tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì không xử lý. Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết và được gửi đồng thời cho nhiều nơi trong đó tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến nơi không có thẩm quyền giải quyết thì nơi nhận được tố cáo không xử lý.

Khoản 1, Điều 25 quy định khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc không xác định được người tố cáo hoặc dùng họ tên của người khác để tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý.

Nhưng nếu thông tin có nội dung tố cáo rõ ràng, có tài liệu, chứng cứ cụ thể thì nơi tiếp nhận thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến nơi có thẩm quyền để thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

Tăng giá khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT)

Từ 15-1-2019, giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ được áp dụng theo Thông tư 39/2018 của Bộ Y tế.

Theo đó, giá khám bệnh được quy định như sau: bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: 37.000 đồng/lượt (tăng 3.900 đồng); bệnh viện hạng II: 33.000 đồng/lượt (tăng 3.400 đồng); bệnh viện hạng III: 29.000 đồng/lượt (tăng 2.800 đồng); bệnh viện hạng IV, trạm y tế xã: 26.000 đồng/lượt (tăng 2.700 đồng).

Riêng giá hội chẩn để xác định cas bệnh khó (chuyên gia/cas; chỉ áp dụng đối với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh) là 200.000 đồng.

Nhà mạng phải đảm bảo bí mật thông tin người dùng

Tại Thông tư 16/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với các nhà mạng trong việc thực hiện hợp đồng với khách hàng.

Theo đó, các nhà mạng có nghĩa vụ đảm bảo bí mật thông tin của khách hàng và chỉ được chuyển giao thông tin cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của khách hàng, trừ các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Các nhà mạng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng theo đúng chất lượng đã công bố; không được từ chối giao kết hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với khách hàng, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Trong trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông, nhà mạng phải thông báo cho khách hàng trước 30 ngày. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 21-1-2019.

ĐÌNH BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>