Thấy gì qua đối thoại vụ án hành chính

21/04/2017 | 08:17 GMT+7

Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016 đã tạo hành lang pháp lý vững chắc nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án.

Quang cảnh buổi đối thoại vụ án hành chính tại tòa án.

Xuất phát từ mối quan hệ hành chính không ngang bằng giữa một bên chỉ đạo, điều hành và bên kia là chấp hành, nhưng khi ra tòa, thông qua thủ tục đối thoại đã tạo điều kiện bình đẳng để các bên đương sự gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với nhau.

Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ án hành chính, đương sự khiếu kiện gay gắt, đã thực hiện quyền khiếu nại đến các cơ quan hành chính nhưng không đồng ý nên khởi kiện. Khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính quy định: “... trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định”.

Với quy định này, luật đã cụ thể hóa người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp người dân kiện cơ quan, tổ chức; đề cao vai trò người đứng đầu, đảm bảo được quyền lợi của các bên liên quan trong vụ án hành chính. Điều này cũng sẽ tạo thuận lợi cho người khởi kiện. Vì người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi ký ban hành một văn bản, quyết định nhưng chính văn bản, quyết định đó bị khởi kiện thì khi ra tòa, nếu người có thẩm quyền ký văn bản, quyết định trực tiếp đứng ra giải quyết tại tòa sẽ có toàn quyền quyết định các nội dung trong văn bản, quyết định đã bị khởi kiện.

Điển hình vụ án hành chính của ông Lê Văn Thành, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, khởi kiện Quyết định số 2602 ngày 13/8/2013 của Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy về việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Giàu với ông Thành và Quyết định số 242 ngày 27/2/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh về giải quyết khiếu nại lần hai. Tòa án mở phiên đối thoại, tại buổi đối thoại, bà Lê Thị Phượng (người được ông Thành ủy quyền) yêu cầu giải quyết hủy các quyết định giải quyết khiếu nại giữa bà Giàu với ông Thành và công nhận cho ông Thành đứng tên giấy CNQSDĐ trên 5.000m2. Vì nguồn gốc đất là của ông Thành, khoảng năm 2002, ông Thành cho con trai là Lê Thành Thi canh tác một phần để sinh sống. Năm 2008, ông Thi mất, sau đó ông Thành làm thủ tục xin được Nhà nước cấp giấy CNQSDĐ thì bà Giàu (vợ ông Thi) ngăn cản. Quyết định số 2602 của Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy giải quyết công nhận phần đất trên cho bà Giàu, ông Thành không đồng ý khiếu nại tiếp theo thì UBND tỉnh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, công nhận cho bà Giàu trên 3.000m2. Nay ông Thành không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND, vì nguồn gốc đất là của ông, ông muốn đứng tên để sau này chia cho cháu chứ không để cho bà Giàu đứng tên. Bà Giàu cũng thừa nhận nguồn gốc đất của ông Thành, nay ông Thi mất, bà muốn đứng tên trên giấy CNQSDĐ để có phần đất cho con, chứ bà không yêu cầu quyền lợi riêng cho bà.

Sau khi người khởi kiện đưa ra yêu cầu, thẩm phán phân tích các căn cứ pháp luật, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (người được Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền), tham dự phiên đối thoại quyết định UBND tỉnh sẽ rút lại quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Vì quyết định giải quyết lần hai trên tinh thần thỏa thuận của gia đình giữa bên ông Thành và bà Giàu tại buổi gặp gỡ, đối thoại với Sở Tài nguyên và Môi trường ngày 26-12-2013. Do đó, UBND tỉnh công nhận sự thống nhất của các bên. Nếu tại phiên đối thoại hôm nay, bà Phượng (người đại diện của ông Thành) không thống nhất với thỏa thuận trên thì UBND ban hành văn bản hủy quyết định đã giải quyết. Người đại diện cho Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy cũng thống nhất rút lại quyết định giải quyết tranh chấp đất giữa ông Thành với bà Giàu.

Trường hợp của bà Trần Thị Dư, ở ấp Tân Trị 1, xã Tân Phú, huyện Long Mỹ, khởi kiện hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai của Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Võ Thành Tuấn (người đại diện các hàng thừa kế của bà Dư) cho rằng, gia đình có phần đất bị ảnh hưởng bởi dự án xây dựng công trình đường ôtô về trung tâm xã Tân Phú, huyện Long Mỹ. Nhà nước đã thu hồi đất của gia đình để thực hiện công trình từ năm 2009 nhưng đến nay chưa được UBND bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Việc kéo dài thời gian bồi thường, hỗ trợ làm thiệt thòi đến quyền lợi của gia đình. Do đó, gia đình khởi kiện đến tòa án về hành vi chậm thực hiện bồi thường, hỗ trợ các chính sách kèm theo khi Nhà nước thu hồi đất. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (người được Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền), tham gia buổi đối thoại vụ án hành chính tại tòa án, cho biết: “Sau buổi đối thoại, trong vòng một tuần, UBND tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo UBND huyện Long Mỹ thực hiện quy trình, thủ tục phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho hộ bà Dư”.

Qua hai vụ án trên cho thấy, trong vụ án hành chính, người khởi kiện quyết định hành chính hay hành vi hành chính, khi đối thoại, bên bị kiện thấy được trong quá trình thực hiện chưa đúng cần sửa chữa, khắc phục nhưng người tham dự phiên đối thoại là người có thẩm quyền quyết định, sau buổi đối thoại, cơ quan ban hành văn bản xử lý sau đối thoại, người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Việc chấm dứt giải quyết vụ án hành chính qua đối thoại tạo điều kiện cho các bên không phải đi lại nhiều lần tốn kém; cách giải quyết này cũng nhẹ nhàng hơn khi các bên cùng đối diện thỏa thuận vấn đề mà còn ý kiến khác nhau…        

Bài, ảnh: PHI YẾN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>