Thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết về công tác tư pháp

07/08/2019 | 07:43 GMT+7

Sau 15 năm triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và cải cách tư pháp, các mặt công tác trên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong sự phát triển của tỉnh.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:

Thực hiện có hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật

- Những năm qua, ngành giáo dục xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng, là cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với mọi người dân, góp phần nâng cao ý thức thực thi pháp luật.

Đối với ngành, từ khi Chỉ thị số 32 được ban hành, việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường luôn được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Qua đó, Sở đã chỉ đạo các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các môn học chính khóa và hoạt động ngoại khóa. Đến nay, đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh được bố trí đầy đủ và đúng chuyên ngành với 173 giáo viên, hàng năm đều được tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn.

Cùng với đó, ngành đã chỉ đạo 100% các trường bố trí tủ sách pháp luật và cấp kinh phí cập nhật. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 24 trường THPT và 12 trường THCS thành lập được câu lạc bộ pháp luật. Hàng năm, các trường đã tổ chức trên 3.000 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh và giáo viên tham gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện Chỉ thị số 32 tại một số cơ sở giáo dục còn hình thức; chưa quan tâm đầu tư các nguồn lực; việc vi phạm trật tự an toàn giao thông trong học sinh còn xảy ra; một số cán bộ quản lý vi phạm nguyên tắc tài chính, nguyên tắc quản lý và bị kỷ luật, nguồn kinh  phí tuyên truyền còn hạn chế.

Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư và các quy định về trong tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học. Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, lồng ghép việc tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, sinh hoạt ngoại khóa tại trường; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đặc biệt là bộ môn giáo dục công dân; tích cực phát huy phương châm mỗi học sinh là một tuyên truyền viên pháp luật tại cộng đồng dân cư.

Ông Trương Đình Nghệ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh:

Nghị quyết số 49 là kim chỉ nam cho công tác cải cách tư pháp

- Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về công tác cải cách tư pháp, đội ngũ cán bộ, thẩm phán của tòa án hai cấp trên địa bàn tỉnh được củng cố, kiện toàn cả về số và chất lượng.

Trong 15 năm qua, tòa án hai cấp đã giải quyết 51.557 vụ án các loại, đạt tỷ lệ 95,36%, với số vụ việc giải quyết tăng đều qua các năm. Đơn cử như số vụ việc năm 2018 đã tăng gấp đôi so với năm Nghị quyết số 49 được ban hành (năm 2005 giải quyết 2.790 vụ - đến năm 2018 là 5.504 vụ - PV). Tuy nhiên, nhìn chung các vụ án được giải quyết đều trong thời hạn, tuân thủ trình tự, thủ tục luật định; tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan được hạn chế thấp nhất. Án hòa giải, đối thoại thành hàng năm đều đạt trên 56%; công tác giải quyết các loại vụ việc hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại đều có chuyển biến tích cực,…

Về công tác xây dựng ngành, thực hiện Nghị quyết số 49, đến nay, tòa án hai cấp đã tổ chức được 4 tòa chuyên trách gồm tòa hình sự, tòa dân sự, tòa hành chính, tòa hôn nhân - gia đình và người chưa thành niên, qua đó đảm bảo phục vụ tốt công tác xét xử.

Đơn vị cũng rất chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xét xử, điển hình như triển khai thực hiện mô hình hành chính tư pháp một cửa; thực hiện nghiêm việc đăng tải bản án tại cổng thông tin điện tử của ngành và đường truyền trực tuyến từ tòa án tối cao đến tòa án các cấp.

Tuy nhiên, điểm khó khăn của ngành hiện nay các loại án phải giải quyết có xu hướng gia tăng từng năm cả về tính chất và số lượng, bình quân số lượng án mà thẩm phán giải quyết khá cao (hiện là 9 vụ/tháng - PV); một số tòa cấp huyện chưa thể triển khai mô hình xét xử mới do hạn chế về kinh phí. Do đó, tới đây, ngành sẽ tập trung tháo gỡ để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49.

Ông Tăng Minh Thêm, Phó ban Tiếp công dân tỉnh:

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng đi vào nề nếp

- Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ khi được ban hành cho đến nay đã được lãnh đạo các sở, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Điều này thể hiện ở việc trụ sở tiếp công dân từ tỉnh đến huyện, xã luôn được đảm bảo trực thường xuyên; kịp thời tiếp nhận, xử lý các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân. Công tác tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo tỉnh được thực hiện nghiêm túc với 2 lượt tiếp/tháng, cấp huyện thực hiện tiếp 4 lượt/tháng và cấp xã tiếp 8 lượt/ tháng... Qua đó, Hậu Giang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là điểm sáng trong công tác tiếp công dân trên cả nước.

Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện theo Chỉ thị số 35, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh đảm bảo việc giải quyết các vụ việc theo đúng thẩm quyền, kịp thời trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cho công dân... Qua đó, tỷ lệ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hàng năm của tỉnh đều đạt trên 95%; qua rà soát của Thanh tra Chính phủ, đến nay trên địa bàn tỉnh không còn vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng kéo dài; công dân của tỉnh không tập trung khiếu nại đông người tại các cơ quan Trung ương.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng còn tồn tại một số khó khăn như số vụ việc dù phát sinh không nhiều nhưng tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, chủ yếu tập trung vào công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; số lượng, chất lượng cán bộ tiếp dân và cán bộ làm công tác thẩm tra, xác minh còn hạn chế dẫn đến chất lượng giải quyết đôi lúc chưa cao; cùng với đó, một số trường hợp dù đã được giải quyết nhiều lần, đúng quy định nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại...

Để khắc phục khó khăn và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 35, trong thời gian tới cần chú trọng nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác này để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc. 

ĐÌNH BẢO ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>