Thực hiện nghiêm công tác bồi thường nhà nước

23/10/2020 | 06:50 GMT+7

Thời gian qua, công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, đúng luật, trách nhiệm, qua đó đảm bảo kịp thời quyền lợi hợp pháp của công dân.

Viện KSND huyện Phụng Hiệp tiến hành cải chính, xin lỗi công khai đối với trường hợp oan sai của ông Nguyễn Hoàng Việt vào tháng 2-2020.

Ngay sau khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) được thông qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật. Trong đó, phối hợp với Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn thi hành Luật TNBTCNN cho đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, đội ngũ cán bộ tư pháp, báo cáo viên pháp luật.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân trên địa bàn giám sát, thực hiện.

Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát sinh trường hợp phải bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính. Tuy nhiên, trong hoạt động tố tụng, cơ quan tố tụng của tỉnh đã thụ lý giải quyết 4 trường hợp; trong đó, đã giải quyết xong 3 trường hợp, còn 1 trường hợp đang giải quyết.

Cụ thể, trường hợp của ông Phan Đức Thọ, ở khu vực 5, phường IV, thành phố Vị Thanh, có đơn yêu cầu bồi thường oan, sai đối với vụ án xảy ra năm 1989; ông Nguyễn Văn Hừng, ở ấp Xẻo Lùng, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, có đơn yêu cầu bồi thường oan, sai đối với vụ án xảy ra năm 1984; ông Nguyễn Hoàng Việt, ở ấp Tân Long A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, có đơn yêu cầu bồi thường oan, sai đối với vụ án xảy ra năm 1987.

Riêng trường hợp của ông Nguyễn Văn Xệ, ở ấp 9, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, có đơn yêu cầu bồi thường oan, sai đối với vụ án xảy ra năm 1991. Tuy nhiên, sau khi xem xét vụ việc, Viện kiểm sát nhân dân (KSND) huyện Long Mỹ đã ban hành thông báo về việc dừng giải quyết yêu cầu bồi thường của ông Xệ. Bởi trong quá trình xác minh giải quyết đơn của ông Xệ, Viện KSND huyện Long Mỹ nhận thấy hành vi của ông phạm tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai theo Điều 180, Bộ luật Hình sự năm 1985, đến nay đã hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Trần Quang Khải, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, cho biết, sau khi nhận được yêu cầu bồi thường nhà nước của đương sự, đơn vị đã tiến hành các quy trình giải quyết theo quy định của Luật TNBTCNN.

“Chúng tôi đã tiến hành các buổi xin lỗi, cải chính công khai người bị oan sai. Đến nay, đã ban hành xong quyết định giải quyết bồi thường đối với ông Phan Đức Thọ, 2 trường hợp còn lại đang được ngành tích cực triển khai việc thương lượng bồi thường để sớm kết thúc vụ việc”, ông Khải cho biết thêm.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, sau gần 2 năm thực hiện Luật TNBTCNN năm 2017, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức triển khai kịp thời, đồng bộ, toàn diện, góp phần đưa các quy định của luật vào cuộc sống. Hiện Sở Tư pháp đã bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện công tác bồi thường nhà nước; các sở, ban, ngành và địa phương đều bố trí công chức, viên chức kiêm nhiệm phụ trách theo dõi, quản lý công tác này.

Cùng với đó, việc tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật về TNBTCNN đã có tác động tích cực, góp phần tạo dựng niềm tin tốt hơn của Nhân dân đối với chính quyền các cấp.

Thực tế triển khai luật cũng cho thấy, giải quyết bồi thường của Nhà nước là công việc được thực hiện theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, đòi hỏi đối với đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ không chỉ có kiến thức pháp luật về trách nhiệm bồi thường mà còn nhiều lĩnh vực khác.

Thế nhưng, phần lớn công chức phụ trách công tác bồi thường của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chủ yếu là kiêm nhiệm, dễ thay đổi, chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ bồi thường nên trong quá trình triển khai, thực hiện còn nhiều lúng túng, khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, để Luật TNBTCNN được triển khai sâu rộng hơn trong thời gian tới, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về bồi thường nhà nước cho địa phương bằng nhiều hình thức phù hợp.

Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cũng cần tiếp tục quán triệt, triển khai, thực hiện luật và các văn bản liên quan bằng nhiều hình thức phong phú nhằm giúp đội ngũ cán bộ, công chức, người dân hiểu, nắm rõ hơn về bồi thường của Nhà nước để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>