Thực hiện tốt quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong nhiều lĩnh vực

11/02/2019 | 05:27 GMT+7

Năm 2018, công tác triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật trong thực hiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, y tế, lao động - thương binh và xã hội đạt nhiều kết quả tích cực.

Thông qua hoạt động thanh, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập các tổ chức, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó có Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thực hiện dịch vụ hoạt động quan trắc. Qua hoạt động kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường cho thấy các quy định về điều kiện kinh doanh là phù hợp.

Toàn tỉnh cũng hiện có 15 cơ sở hành nghề khoan nước dưới đất (giấy phép đang còn hiệu lực) và 1 đơn vị tư vấn lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép về tài nguyên nước (Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường) thuộc đối tượng phải có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của Chính phủ. Các cơ sở hành nghề khoan nước dưới đất đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định điều kiện trước khi cấp phép, đồng thời được kiểm tra định kỳ hàng năm.

Đối với lĩnh vực y tế, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Mặt khác, để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức quản lý về an toàn thực phẩm cho cộng tác viên y tế tuyến xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tổ chức tập huấn triển khai các văn bản về an toàn thực phẩm cho cộng tác viên tuyến xã năm 2018.

Nội dung lớp tập huấn bao gồm: Nghị định số 15 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Thông tư số 30 của Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; tài liệu hỏi đáp về thức ăn đường phố của Cục An toàn thực phẩm. Nhờ vậy, cộng tác viên đã được cập nhật và vận dụng những kiến thức mới về an toàn thực phẩm để thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, phòng tránh ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.

Trong khi đó, Sở Tư pháp đã xây dựng Kế hoạch tổ chức khảo sát đánh giá tình hình thi hành pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn. Kế hoạch xác định mục đích khảo sát nhằm thu thập thông tin, số liệu, ý kiến và phản hồi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, người kinh doanh về tình hình thi hành pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố.

Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát, kiểm tra đã đánh giá đúng thực trạng tình hình thi hành pháp luật ở một số cơ quan, ban, ngành tỉnh, cấp huyện và UBND cấp xã; mức độ tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, người kinh doanh. Kịp thời tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội, quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Riêng lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở chủ quản ban hành Kế hoạch về việc kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2018 nhằm kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động, Nhân dân trong thực hiện chính sách pháp luật với người có công, an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Nhờ vậy, giúp người sử dụng lao động nắm bắt và hiểu rõ về an toàn lao động của người lao động tại nơi làm việc, ý thức chấp hành pháp luật về mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp. Ngoài ra, còn giúp nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma túy và xây dựng xã, phường lành mạnh. Đây cũng là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm hạn chế sự phát sinh và vi phạm về tệ nạn xã hội đối với cá nhân, gia đình và xã hội.

Cũng trong năm qua, các ngành, các cấp triển khai, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường; y tế; lao động - thương binh và xã hội. UBND các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời; các cơ quan chuyên môn chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực; tổ chức tập huấn, phổ biến, giáo dục pháp luật… Cơ quan chức năng quan tâm tổng hợp những vướng mắc, những quy định của pháp luật không phù hợp với thực tiễn, có kiến nghị sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định pháp luật trong các lĩnh vực.

Công tác xử phạt vi phạm hành chính đang dần đi vào nề nếp

Công an tỉnh thống kê, năm qua, toàn tỉnh phát hiện tổng số 29.792 vụ vi phạm hành chính. Trong đó, xử phạt 29.177 vụ, chưa xử phạt 593 vụ và chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự 22 vụ. Ban hành tổng số 31.740 quyết định xử phạt, bao gồm đã thi hành 26.345 quyết định với số tiền phạt thu được hơn 25,5 tỉ đồng và còn 5.395 quyết định chưa thi hành xong.

UBND tỉnh đánh giá, công tác xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) đang dần đi vào nề nếp, các vụ việc vi phạm bị phát hiện cơ bản được xử lý kịp thời, theo trình tự, thủ tục xử phạt theo quy định. Việc thực hiện các quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết thi hành bước đầu đã đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật về hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật về XLVPHC.

 

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>