Thượng tôn pháp luật

20/03/2018 | 09:15 GMT+7

Có quá nhiều điều để nói về chuyện này khi nó đang được thực hiện và… quên tuân thủ nghiêm túc!

1. Ở các trường tiểu học, học sinh được giáo dục một cách bài bản: Đi xe môtô, xe gắn máy phải đội nón bảo hiểm, không được vượt đèn đỏ; và ai chưa hay làm không đúng điều đó các em nói ngay như một bản năng: Làm như vậy là sai!

Bài học chấp hành pháp luật về an toàn giao thông ăn sâu vào tâm trí các em; cho đến một ngày.

Cha mẹ các em thường hay chống chế rằng, chạy xe chậm thì an toàn nên con không cần đội nón bảo hiểm; gấp quá nên vượt đèn đỏ 1 lần; hay đổ thừa quên mang nón bảo hiểm khi đưa, rước con đến trường… Ở thế bị động, các em chỉ biết nghe và làm theo. Thấy cha mẹ có phần đúng và không có chế tài nào kịp thời nên các em cũng có một “bài học” từ cha mẹ: Vi phạm những gì thầy cô dạy về an toàn giao thông có sao đâu, vậy nên mình làm giống vậy chắc gì bị… la rầy!

Và cũng cho đến một ngày khi hiện nay người ta vẫn thường thấy một bộ phận học sinh cấp 2, 3 chạy xe gắn máy vượt đèn đỏ, quên đội nón bảo hiểm, chạy xe hàng 2, 3 như thể không sợ điều gì!

 2. Tai nạn giao thông ở Hậu Giang năm 2017 không được kiềm chế mà tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương và còn có diễn biến phức tạp trong năm nay.

Ở huyện Phụng Hiệp, những tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông xảy ra hình như bằng với tổng số vụ của cả năm 2017.

Có rất nhiều nguyên nhân của thực trạng trên, nhưng nếu suy xét kỹ thì nó xuất phát từ việc chấp hành không nghiêm quy định khi lái xe: Đã uống rượu, bia nhưng vẫn lái xe; chạy quá tốc độ; tránh, vượt sai quy định; phóng nhanh, vượt ẩu - điều mà người có bằng lái thậm chí chưa có bằng lái xe luôn nằm lòng nhưng cố tình… lờ đi; và do xử lý không nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thử một ngày các quy định của pháp luật về an toàn giao thông được mọi người chấp hành nghiêm thì sao? Câu trả lời là tai nạn, va quẹt không xảy ra; công an được ngơi nghỉ; tiếng máy xe êm êm trên đường như bảo nhau rằng hôm nay xe và đường được gọi nhau là… bạn thân!

Mà đâu yên được vậy trong một ngày khi ý thức chấp hành pháp luật của công dân chưa cao. Họ cứ lén khi không có cảnh sát giao thông là phạm luật; họ cứ lờn lờn khi người bảo vệ pháp luật chưa nghiêm với nhiệm vụ của mình; hoặc thậm chí cùng nhau… thỏa thuận bỏ qua vi phạm để cùng nhau được lợi (vụ 20 cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội bị đình chỉ công tác vì nghi vấn mãi lộ…).

3. Dư luận hiện nay đang rất xôn xao chuyện cựu Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an Nguyễn Thanh Hóa bị bắt vì đánh bạc bằng… công nghệ cao.

Người ta nói, ông này quá khôn lanh vì biết tận dụng lợi thế để trục lợi, biết chừng nào mới bị lộ; cũng có người nói, tiền đã đưa ông ấy đến bến bờ… vực thẳm.

Ở góc độ pháp luật, người ta nói ông Nguyễn Thanh Hóa thiếu vắng tình cảm với pháp luật - vốn là một phần lớn cuộc sống của ông. Chính vì không có tình cảm với luật pháp nên ông xem pháp luật không phải là khuôn phép để chấp hành, không là thứ để răn đe mà là để xem thường…

Sức mạnh của pháp luật được cấu thành bởi nhiều yếu tố, trong đó lực lượng công an, quân sự là yếu tố không thể thiếu. Can phạm Nguyễn Thanh Hóa từng đại diện cho pháp luật, áp dụng pháp luật với người khác để góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội nay lại thông đồng với kẻ xấu làm cho pháp luật… yếu đi.

Nói về thượng tôn pháp luật ở góc độ chấp hành thì nó không dành riêng cho một bộ phận người nào mà tất cả mọi người. Trẻ em biết và thực hiện đúng là do người lớn dạy, và người hiểu biết chấp hành nghiêm là do tình cảm và ý thức pháp luật; ngược lại…

Thượng tôn pháp luật là góp phần sớm xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân!

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>