Tích cực đóng góp ý kiến xây dựng luật

09/09/2019 | 08:32 GMT+7

Quang cảnh hội nghị đóng góp các dự thảo luật.

Lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận nhiều đóng góp của lãnh đạo các sở, ban, ngành đối với các dự luật này.

Ông Trương Thanh Bình, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh:

- Qua nghiên cứu dự thảo, tôi cơ bản nhất trí việc xác định tổng số đại biểu HĐND tỉnh theo phương án 1 của luật.

Theo đó, thường trực HĐND tỉnh sẽ gồm chủ tịch, phó chủ tịch, các ủy viên là trưởng ban của HĐND và chánh văn phòng HĐND tỉnh. Trong trường hợp chủ tịch HĐND tỉnh có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách sẽ có một phó chủ tịch HĐND. Trường hợp chủ tịch HĐND tỉnh không là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách sẽ có hai phó chủ tịch HĐND. Trong đó, phó chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

Đối với nội dung sửa đổi trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo luật cần quy định UBND cấp xã loại II có hai phó chủ tịch vì thực tế công việc ở cấp xã rất nhiều, nếu chỉ có một phó chủ tịch như hiện nay thì về lâu dài có thể dẫn đến quá tải công việc.

Về tổ chức văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), văn phòng HĐND và văn phòng UBND, tôi đồng tình với quan điểm chỉ hợp nhất văn phòng đoàn ĐBQH, văn phòng HĐND vì đây là cơ quan giám sát, còn UBND là cơ quan thực thi. Do đó, nếu chúng ta ghép văn phòng các cơ quan này lại sẽ rất khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, tôi đề nghị nên bổ sung công chức cấp xã vào hệ thống công chức trong các cấp chính quyền từ Trung ương đến xã, bởi công chức cấp xã được bổ nhiệm, tuyển dụng theo các tiêu chuẩn cụ thể giống như ở cấp huyện, cấp tỉnh nên không thể để công chức cấp xã nằm ngoài Luật Cán bộ, công chức.

Ngoài ra, tôi đồng tình với phương án viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký hợp đồng xác định thời hạn tối đa 2 lần sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn. Quy định như thế chúng ta mới có thể tạo sự an tâm, ổn định trong công tác của đội ngũ viên chức.

Ông Trần Quốc Khởi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Vị Thanh:

- Đối với quy định về thường trực HĐND, tôi cho rằng hiện nay chúng ta đang thực hiện nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu địa phương theo Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII, có thể nhất thể hóa chức danh bí thư và chủ tịch HĐND.

Với những địa phương nhất thể hóa chức danh, trường hợp chủ tịch HĐND không chuyên trách, nếu áp dụng phương án 1 như dự thảo luật - giảm còn 1 phó chủ tịch HĐND, việc điều hành công việc rất khó khăn, không thể đảm đương các công việc do luật định. Với những tỉnh loại 1, thành phố lớn, quy định lại càng khó khăn hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Do đó, tôi đề xuất cần đánh giá cụ thể việc điều chỉnh này.

Về việc hợp nhất các văn phòng, tôi cho rằng văn phòng đoàn ĐBQH, văn phòng HĐND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, còn văn phòng UBND là cơ quan tham mưu của UBND, nếu sáp nhập sẽ xảy ra tình trạng chồng chéo giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp.

Còn về phó chủ tịch UBND cấp xã, cần xem xét số lượng phó chủ tịch xã loại II, loại III tùy theo đặc thù địa phương để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Vì thực tế như tại thành phố Vị Thanh, có những xã loại I lại không thực hiện nhiều công việc bằng xã loại II, III.

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đề nghị cần bổ sung nội dung quy định về việc điều động công chức sang làm viên chức và ngược lại để tạo sự yên tâm cho người được điều động. Bởi hiện nay có nhiều trường hợp công chức được điều chuyển sang ngạch viên chức, nhưng khi chuyển ngược lại thì lại gặp vướng, không chuyển được, gây thiệt thòi cho họ.

Ông Phan Hoàng Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nội vụ:

- Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tôi đồng tình quy định 2 phó chủ tịch HĐND tỉnh để tăng cường hoạt động giám sát của cơ quan dân cử.

Về quy định thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới, tôi ủng hộ phương án: Viên chức được tuyển dụng mới sẽ ký hợp đồng lao động có thời hạn, sau khi kết thúc hợp đồng có thời hạn nếu đủ điều kiện sẽ thực hiện việc ký hợp đồng không xác định thời hạn, bởi việc này vừa phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động, vừa để viên chức yên tâm công tác, cống hiến.

Riêng quy định xử lý kỷ luật công chức, theo tôi nên có sự điều chỉnh cho phù hợp với quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vì trong dự thảo luật, thời hiệu xử lý đối với hình thức kỷ luật khiển trách là 2 năm, cảnh cáo là 5 năm, các trường hợp còn lại không tính thời hiệu. Trong khi đó, quy định về xử lý kỷ luật đảng viên, đối với trường hợp khiển trách là 5 năm, cảnh cáo là 10 năm, khai trừ và các loại như trong dự thảo, còn lại không tính thời hiệu.

Đ.BẢO ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>