Tiếp tục đẩy lùi tín dụng đen

09/04/2019 | 07:53 GMT+7

Tín dụng đen diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Nam, trong đó có Hậu Giang, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Để tín dụng đen không còn đất sống, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là rất cần thiết.

Việc người dân được tiếp cận dễ dàng với các nguồn vốn vay chính thống, như từ Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ là giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu đã yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh vận động Nhân dân cảnh giác, tránh sập bẫy; tố cáo, tố giác tổ chức, cá nhân có hoạt động tín dụng đen để cơ quan chức năng xử lý.

Nhận diện tín dụng đen

Đặc trưng cơ bản nhất của tín dụng đen là cho vay lãi suất cao, bị pháp luật nghiêm cấm (cho vay lãi nặng) và điều kiện cho vay khá dễ dàng.

Tín dụng đen xuất hiện do nhu cầu về vốn của cá nhân, tổ chức. Trong đó, nhiều nhóm đối tượng có thể tham gia loại hình này như: Nhóm khách hàng làm ăn chính đáng, do thiếu vốn tạm thời nhưng ngại tiếp xúc kênh tín dụng chính thống vì thủ tục vay phức tạp, thời gian xử lý lâu nên tìm đến tín dụng đen; một bộ phận khách hàng có nợ đến hạn nhưng chưa có nguồn trả, tìm đến tín dụng đen để vay tạm.

Còn có nhóm người có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn tín dụng chính thức; nhóm người vay vốn với mục đích không hợp pháp như buôn lậu, cờ bạc; nhóm người ốm đau, bệnh tật cần tiền đột xuất...

Không chỉ tại Hậu Giang mà trên phạm vi cả nước, tình trạng tín dụng đen đã, đang diễn biến phức tạp, tinh vi… Vì vậy, Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ngăn chặn; yêu cầu công an các tỉnh, thành lập chuyên án, triển khai đồng bộ các giải pháp triệt phá.

Tại Hậu Giang, công an các địa phương phát hiện có trên 100 đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng, tín dụng đen, trong đó có trên 200 nạn nhân. Một số huyện Long Mỹ, Vị Thủy, thành phố Vị Thanh… đã bắt, xử lý đối tượng trong đường dây cho vay lãi nặng có hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản… 

Tiếp tục đẩy lùi

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về hậu quả của việc tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, cũng như các biểu hiện, hành vi, thủ đoạn của hoạt động tín dụng đen; vận động Nhân dân cảnh giác, tránh sập bẫy; tố cáo, tố giác các tổ chức, cá nhân có hoạt động này để xử lý.

Ông Lê Tiến Châu nói, các ngành chức năng tỉnh cũng phải nhận thấy rằng, hoạt động tín dụng đen ngày càng phát triển là do người dân thiếu thông tin, khó tiếp cận với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng do thủ tục rườm rà. Vì vậy, việc tăng cường hỗ trợ người dân tiếp cận các kênh vay vốn chính thống là cách hữu hiệu nhất để chặn tín dụng đen.

Đại tá Lâm Phước Nguyên, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho rằng, những người vay tín dụng đen đều biết trước số tiền lãi phải trả cũng như hậu quả không trả được nợ. Nhưng đa phần họ là lao động nghèo, không có tài sản thế chấp để được vay tiền ngân hàng nên đành chọn giải pháp vay nóng vốn chỉ cần thế chấp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu.

Còn theo ông Hồ La Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hậu Giang, hiện nay, ngành ngân hàng đã và đang rất nỗ lực triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ đối tượng vay là người có thu nhập thấp, gia đình chính sách dễ dàng hơn trong tiếp cận các nguồn vốn.

Cụ thể giải pháp trên, mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt chi nhánh Hậu Giang về cho khách hàng là hội viên phụ nữ vay thông qua tổ liên kết vay vốn của hội, mức cho vay tín chấp tối đa 50 triệu đồng. Qua đây nhằm góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen có nguy cơ đe dọa trong hội viên. 

Tín dụng đen chỉ được dần đẩy lùi khi có sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành; nhu cầu vốn của tổ chức, cá nhân được giải quyết nhanh, hợp pháp và người dân nâng cao ý thức về đấu tranh phòng, chống cho vay lãi nặng, tín dụng đen…

Đại tá Lâm Phước Nguyên, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Nếu ngân hàng có được các gói vay tín chấp tiêu dùng đơn giản, ít điều kiện kèm theo, người dân sẽ không còn chọn vay tín dụng đen.

 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>