Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng

12/12/2017 | 08:14 GMT+7

Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 ở tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Theo ngành chức năng, qua công tác tự kiểm tra nội bộ của các cấp, các ngành trên địa bàn; qua thanh tra hành chính, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và qua kết quả rà soát, thực hiện các hoạt động khác, toàn tỉnh chưa phát hiện hành vi tham nhũng.

Hoạt động của bộ phận một cửa công khai, hiệu quả cũng là biện pháp phòng ngừa tốt không để xảy ra tham nhũng.

Phòng ngừa hiệu quả

Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả, bao gồm việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan với 452 cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch; về việc xây dựng, ban hành và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, trong đó UBND tỉnh ban hành mới 2 văn bản quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn và sửa đổi, bổ sung 3 văn bản quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Toàn tỉnh có 68/68 cơ quan, tổ chức, đơn vị ban hành quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý sử dụng tài sản công của cơ quan (29 cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra việc thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn).

Theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố và sở, ngành, năm 2017 chưa phát hiện cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân sử dụng tài sản công và tiền ngân sách nhà nước mua quà tặng hoặc làm quà tặng gây lãng phí và cũng không có trường hợp lợi dụng việc tặng quà vì vụ lợi. Toàn tỉnh có 43/64 cơ quan, tổ chức, đơn vị ban hành quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, còn lại 21/64 cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc các ban đảng, đoàn thể và các hội đặc thù thuộc tỉnh không ban hành quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp do các cơ quan, tổ chức đơn vị nêu trên thực hiện theo quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cấp trên và thực hiện theo điều lệ của đơn vị. Có 6 cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện chuyển đổi vị trí công tác với 38 cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện chuyển đổi.

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng ngừa khác cũng được quan tâm. Toàn tỉnh có 68/68 cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 với tổng số người phải kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập là 5.695 người, đạt 100% (không tính các cơ quan trực thuộc ngành dọc). Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục áp dụng có hiệu quả cơ chế một cửa và một cửa liên thông, thực hiện hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO. Từ đó, nâng cao chất lượng phục vụ và giải quyết công việc nhanh gọn, tạo được mối quan hệ tích cực giữa cơ quan hành chính với các cơ quan, tổ chức và công dân; áp dụng các phần mềm trong việc tiếp nhận và trả kết quả...

Nhìn chung, năm 2017, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật; triển khai tốt, quán triệt, tuyên truyền pháp luật và xây dựng chương trình hành động phòng, chống tham nhũng; thực hiện các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội hướng vào những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng ở các cơ quan, đơn vị và đã đạt những kết quả nhất định.

Cơ quan thanh tra cũng đã chủ trì và phối hợp với cơ quan kiểm tra đảng, nội vụ, tổ chức đảng tiến hành hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc kê khai minh bạch tài sản, thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; lưu trữ, bảo quản và sử dụng đúng quy định của pháp luật đối với hồ sơ kê khai. Công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ được thủ trưởng các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh chỉ đạo tiến hành thường xuyên. Từ đó, giúp cho cán bộ, công chức, viên chức nhận thức đúng đắn về hành vi tham nhũng.

Yếu kém, vướng mắc cơ bản về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 là việc phát hiện tố giác và xử lý còn hạn chế; một số công tác phòng ngừa chưa được cấp ủy, lãnh đạo quan tâm như thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ và công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng có nơi còn hạn chế.

Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống

Năm 2018, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về nhiều nội dung; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng; tập trung thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) và pháp luật về phòng, chống tham nhũng. 

Tiếp tục đôn đốc thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tiếp tục nâng cao chất lượng trong việc nắm bắt tình hình, phát hiện tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao (đầu tư xây dựng, đất đai, thu ngân sách, mua sắm công…); tăng cường đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm thúc đẩy công tác này ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh.

Sẽ quan tâm phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan đoàn thể, cơ quan văn hóa, tư pháp, thông tin - truyền thông và báo, đài tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra theo chương trình, kế hoạch nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; các cơ quan thanh tra cần tăng cường các hoạt động thanh tra để phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm. Đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực, chống lề lối làm việc quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý kinh tế, sách nhiễu, cố ý làm trái chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước, tham ô tài sản của Nhà nước và của nhân dân.

Quan tâm đẩy mạnh giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời, dứt điểm. Làm tốt công tác này, nhân dân sẽ tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, giúp cho lãnh đạo các cấp, các ngành nắm được tình hình của đơn vị, địa phương để có hướng chỉ đạo đúng đắn, kịp thời...

“Theo UBND tỉnh, nguyên nhân chủ quan của hạn chế về công tác phòng, chống tham nhũng là từng lúc, từng nơi thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp liên quan; một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, đây cũng là nguyên nhân phát sinh tham nhũng; công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ còn hạn chế về số lượng và chất lượng; công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng có nơi rất hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa thực sự quan tâm, chưa có giải pháp chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; công tác tự phê bình và phê bình, tự phát hiện tham nhũng ở một số nơi kém hiệu quả; có biểu hiện nể nang, né tránh; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý thiếu chặt chẽ...”.

 

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>