Tiếp tục thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

03/09/2019 | 07:31 GMT+7

Từ tháng 8 năm rồi đến cuối tháng 7 vừa qua, tình hình khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân (khiếu nại, tố cáo) trên địa bàn tỉnh giảm so cùng kỳ và không quá phức tạp; công tác tiếp dân được thực hiện nghiêm túc.

Lãnh đạo UBND tỉnh (trái) đối thoại với hộ dân có khiếu nại.

Ban hành 360 quyết định giải quyết khiếu nại

Cơ quan chức năng tỉnh cho biết, số đơn trong thời gian này thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, các ngành là 602, giảm 40 đơn, phần lớn liên quan đến lĩnh vực thu hồi đất, thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư...

Thông tin thêm về đơn khiếu nại, tố cáo, UBND tỉnh cho biết chi tiết: trong 602 đơn thuộc thẩm quyền có 374 đơn khiếu nại, 10 đơn tố cáo, 218 đơn phản ánh, kiến nghị.

Kết quả, đã giải quyết 360/374 đơn khiếu nại, 10/10 đơn tố cáo và 204/218 đơn phản ánh, kiến nghị. Trong các đơn đã giải quyết, qua phân tích cho thấy tỷ lệ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng chiếm tỷ lệ thấp. Cụ thể, khiếu nại đúng 29/360 đơn, khiếu nại sai 294/360 đơn; tố cáo đúng 2/10 đơn, tố cáo sai 7/10 đơn và phản ánh, kiến nghị đúng 7/204 đơn, sai 187/204 đơn…

Quá trình thụ lý, giải quyết đơn, các cấp, các ngành trong tỉnh ban hành 360 quyết định giải quyết khiếu nại, kết quả bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho dân 457 triệu đồng và 1200m2 đất.

Song song đó là công tác tiếp dân được Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm thực hiện nghiêm. Tại trụ sở tiếp công dân tỉnh, cán bộ thường xuyên trực, xử lý kịp thời yêu cầu của tổ chức, cá nhân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tinh thần, thái độ tiếp công dân ân cần, tôn trọng, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của dân. Đơn thư tiếp nhận, xử lý đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền; văn bản kết luận tại buổi tiếp dân định kỳ, đột xuất của lãnh đạo được tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Thời gian này, nhằm đảm bảo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, toàn tỉnh triển khai 7 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đối với giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã.

Theo Thanh tra tỉnh, qua thanh tra nhận thấy, cơ quan, đơn vị có nhiều đổi mới trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; thực hiện đúng chế độ thông tin, báo cáo, chế độ cho cán bộ tiếp dân. Đồng thời, cũng chỉ ra một số hạn chế cần chấn chỉnh như: chưa lập sổ theo dõi xử lý đơn của công dân, không lập sổ tiếp dân định kỳ, đột xuất hoặc có lập sổ nhưng chưa đúng theo mẫu…

Tiếp tục thực hiện tốt hơn

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân thời gian tới, các cấp, các ngành sẽ tiếp tục tổ chức phối hợp tiếp công dân đột xuất, định kỳ, thường xuyên theo quy định; có trách nhiệm chủ động giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh và các vụ việc tồn đọng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh yêu cầu thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; phát hiện và xử lý những biểu hiện vô cảm, thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức trong tiếp dân, thẩm tra, xác minh, đề xuất giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân.

Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải thường xuyên, chặt chẽ. Đặc biệt là đề cao, phát huy vai trò giám sát của cơ quan, đại biểu dân cử, UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

UBND tỉnh cũng yêu cầu, trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, các ngành, các cấp, cá nhân có thẩm quyền phải đảm bảo tính khách quan, phù hợp với các quy định, đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng chủ trương, chính sách, tránh tình trạng cùng một dự án, một địa bàn và cùng bản chất vụ việc nhưng lại áp dụng chủ trương, chính sách khác nhau. Qua kết quả giải quyết, nếu phát hiện chủ trương, chính sách có sự chồng chéo, không phù hợp thì kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung...

Còn những hạn chế do chủ quan

Ngoài những ưu điểm về sự chủ động, tích cực, thực hiện nghiêm quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của tỉnh, thời gian này, các cấp, ngành, địa phương cũng có những hạn chế cần khắc phục.

Đó là cán bộ làm công tác tiếp dân, xử lý đơn ở một số cơ quan, đơn vị về trình độ, năng lực chưa đều nên việc hướng dẫn, giải thích hiệu quả chưa cao, chưa giúp công dân hiểu và chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để chấm dứt khiếu nại. Phối hợp tổ chức tiếp dân giữa các sở, ban, ngành và địa phương ở một số vụ việc chưa nhịp nhàng, nhất là vụ việc có tính chất phức tạp, khiếu kiện đông người.

Việc chấp hành quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo một số vụ thực hiện chưa đảm bảo quy định. Chất lượng thẩm tra, xác minh, đề xuất giải quyết một số trường hợp chưa đủ cơ sở kết luận giải quyết; áp dụng các chính sách, quy định pháp luật thiếu chuẩn xác dẫn đến nhiều vụ việc phải kiểm tra bổ sung. Công tác tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại hành chính, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật (những vụ từ tỉnh Cần Thơ cũ) chưa thực hiện xong nhưng địa phương chậm báo cáo và đề ra giải pháp tổ chức thực hiện.

 

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>