Tìm hiểu pháp luật: Hỏi, đáp về Luật Hôn nhân và gia đình

13/06/2019 | 08:03 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được hiểu như thế nào ?

Đáp:  Khoản 25, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”.

Hỏi: Nam, nữ muốn kết hôn thì cần những điều kiện nào ?

Đáp: Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau:

Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định như: Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Hỏi: Các trường hợp nào được xem là kết hôn trái pháp luật; ai có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật ?

Đáp: Theo khoản 6, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này.

Theo Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì những người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật:

Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này: Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em và Hội liên hiệp phụ nữ.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>