Tìm hiểu pháp luật: Hỏi, đáp về Luật Trẻ em năm 2017

15/08/2019 | 06:54 GMT+7

(Tiếp theo)

Hỏi: Hãy cho biết Tháng hành động vì trẻ em được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 11 Luật Trẻ em quy định: Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn thực hiện Tháng hành động vì trẻ em.

Hỏi: Hãy cho biết quyền sống của trẻ em được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 12 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển.

Hỏi: Hãy cho biết quyền được khai sinh và có quốc tịch được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 13 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.

Hỏi: Hãy cho biết quyền được chăm sóc sức khỏe quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 14 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh.

Hỏi: Hãy cho biết quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 15 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện.

Hỏi: Hãy cho biết quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 16 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân.

- Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.

Hỏi: Hãy cho biết quyền vui chơi, giải trí được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 17 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi.

Hỏi: Hãy cho biết quyền giữ gìn, phát huy bản sắc được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 18 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được tôn trọng đặc điểm và giá trị riêng của bản thân phù hợp với độ tuổi và văn hóa dân tộc; được thừa nhận các quan hệ gia đình.

- Trẻ em có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình.

Hỏi: Hãy cho biết quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 19 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào và phải được bảo đảm an toàn, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Hỏi: Hãy cho biết quyền về tài sản được quy định như thế nào?

Đáp: Điều 20 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật.

Hỏi: Hãy cho biết quyền bí mật đời sống riêng tư được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 21 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

- Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

Hỏi: Hãy cho biết quyền được sống chung với cha, mẹ được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 22 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Khi phải cách ly cha, mẹ, trẻ em được trợ giúp để duy trì mối liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, gia đình, trừ trường hợp không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Hỏi: Hãy cho biết quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ được quy định như thế nào ?

Đáp: Theo Điều 23 Luật Trẻ em, trẻ em có quyền được biết cha đẻ, mẹ đẻ, trừ trường hợp ảnh hưởng đến lợi ích tốt nhất của trẻ em; được duy trì mối liên hệ hoặc tiếp xúc với cả cha và mẹ khi trẻ em, cha, mẹ cư trú ở các quốc gia khác nhau hoặc khi bị giam giữ, trục xuất; được tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất cảnh, nhập cảnh để đoàn tụ với cha, mẹ; được bảo vệ không bị đưa ra nước ngoài trái quy định của pháp luật; được cung cấp thông tin khi cha, mẹ bị mất tích.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích