Trả giá vì lợi dụng lòng tin

22/09/2017 | 05:44 GMT+7

Đứng trước vành móng ngựa là người phụ nữ mặc chiếc áo sẫm màu, vóc dáng nhỏ bé. Chính người này đã dùng biết bao lời lẽ ngon ngọt lừa hàng chục người để chiếm đoạt tiền tỉ để tiêu xài cá nhân.

Bị cáo Võ Thị Tuyết Lệ tại phiên tòa.

Phiên tòa xét xử bị cáo Võ Thị Tuyết Lệ (48 tuổi, ở phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ) phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chật kín người dự khán. Cáo trạng thể hiện, trong hai năm từ 2014-2015, Lệ đã lừa hơn 34 bị hại để chiếm đoạt 2,3 tỉ đồng. Bị hại lớn tuổi nhất đã 80 tuổi, nhỏ nhất chỉ mới 20 tuổi.

Số tiền ấy được bị cáo tiêu hoang hết sạch, không còn đồng nào để trả cho các bị hại. Đến dự tòa, nhiều bị hại vẫn thì thầm nói với nhau: “Tại sao lúc đó ngu dại, tin tưởng đến mức giao cả số tiền tích góp bấy lâu cho nó như thế!”.

Câu trả lời được nêu rất rõ trong cáo trạng: “Bị cáo từng là giáo viên tiểu học, có nhiều thành tích trong công tác, có uy tín nên nhiều bị hại đã tin tưởng”. 

Do cần tiền tiêu xài và chi trả các khoản nợ trước đó, Lệ đã chủ động tìm đến các bị hại khác để yêu cầu được vay tiền, Lệ bảo rằng sẽ cho người khác vay lại để hưởng lãi suất chênh lệch và sẽ hoàn trả cả tiền gốc và lãi trong thời gian từ 10 ngày đến 1 tháng.

Tuy nhiên, khi vay được tiền, Lệ không thực hiện như cam kết mà dùng số tiền đó để đóng lãi vay trước đó và tiêu xài cá nhân. Với những lời đường mật và thủ đoạn trên, Lệ đã lừa được hàng chục người tin tưởng giao tiền, vàng cho mình.

Đến lượt thẩm vấn, đại diện viện kiểm sát yêu cầu bị cáo trình bày nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội.

Lệ nức nở cho biết: “Bị cáo sống chủ yếu bằng đồng lương giáo viên chỉ ngoài 4 triệu đồng nên không đủ chi tiêu trong gia đình, lúc đầu bị cáo chỉ vay mượn vài chục triệu đồng, nhưng lãi suất cao nên tiền nợ cứ lớn dần, túng quẫn quá nên trong đầu bị cáo chỉ nghĩ cách nào có tiền đóng lãi cho chủ nợ, vì thế bị cáo mới nảy sinh ý định vay mượn tiền của nhiều người”. 

Khi nghe những lời này của bị cáo, vị đại diện viện kiểm sát lắc đầu: “Giá như bị cáo biết dừng lại đúng lúc thì đã không xảy ra sự việc như ngày hôm nay. Số tiền bị cáo lừa của bà con đều là từ mồ hôi nước mắt của họ, vì vậy giờ đây bị cáo phải trả giá cho tội lỗi của mình”.

Đứng trước tòa, bị hại Đinh Thị Hiệp, năm nay đã 80 tuổi, than thở: “Nó nói khéo lắm, tôi già cả dành dụm được 50 triệu đồng để dưỡng già, nghe nó cần mượn gấp mà nói ngon ngọt được trả lãi nên tôi tin tưởng nghe theo. Ai dè được vài ngày thì nó tuyên bố vỡ nợ!”.

Một bị hại khác bức xúc cho biết: “Thấy bị cáo là giáo viên uy tín nên có chút ít vốn liếng tôi cũng cho mượn, lúc bị cáo tuyên bố vỡ nợ tôi yêu cầu trả lại tiền thì bị cáo còn thách thức tôi kiện ra tòa. Bị cáo đã có ý định lừa đảo chúng tôi từ đầu rồi, tôi đề nghị tòa phải xử bị cáo thật nặng”.

Thêm một người khác kể lại: “Bị cáo mới mượn tôi tối hôm trước thì hôm sau tuyên bố vỡ nợ, tôi còn chưa lấy được đồng lãi nào. Giờ đây hàng tháng tôi phải trả góp vì đã lỡ mượn tiền người khác cho bị cáo vay, nếu bị cáo không trả tiền lại cho chúng tôi thì đề nghị tòa tuyên bị cáo mức án nặng nhất”.

Đến dự tòa hôm ấy, gia đình bị cáo chỉ có chồng và con, đứa bé 8 tuổi đứng lặng lẽ bên ngoài ghé mắt qua ô cửa nhìn mẹ. Giờ nghị án, bị cáo ngồi im lặng sau vành móng ngựa, các bị hại vẫn tiếp tục chửi rủa đến mức lực lượng bảo vệ phải mời ra ngoài... Nghe những lời nặng nhẹ, bị cáo ngồi ôm mặt khóc nức nở.

 Đại diện viện kiểm sát đề nghị tuyên bị cáo 13 năm tù, nhưng tòa tuyên bị cáo 15 năm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa tan, các bị hại kéo nhau ra về, có người còn ngơ ngác hỏi: “Vậy khi nào thì tiền của tôi mới được nó trả?”.

Khi các bị hại về hết, bị cáo được dẫn giải ra xe. Vừa nhìn thấy người chồng, bị cáo bật khóc nức nở. Nghe bị cáo nói với chồng qua tiếng nấc: “Nhớ chăm sóc con, cho nó ăn học đàng hoàng nha anh!”.

Quy định của Bộ luật Hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Trong trường hợp chiếm đoạt tài sản từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, mức án có thể từ 12 năm đến 20 năm, hoặc tù chung thân.

 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>