Trò chơi điện tử bắn cá: Có vi phạm nhưng khó xử lý

28/06/2017 | 07:54 GMT+7

Thời gian qua, nhiều chủ cơ sở đã lợi dụng trò chơi điện tử bắn cá để tổ chức đánh bạc, gá bạc với hình thức trò chơi điện tử có thưởng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương.

Lực lượng chức năng đang kiểm tra một điểm kinh doanh trò chơi điện tử bắn cá trên địa bàn thành phố Vị Thanh.

Trò chơi điện tử bắn cá “nở rộ” trong 2 năm trở lại đây. Hiện loại hình này xuất hiện ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Theo Công an tỉnh, đến cuối tháng 2-2017, trên địa bàn có 106 cơ sở kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử bắn cá với 151 máy đang hoạt động.

 Theo quy định, các máy điện tử bắn cá là loại trò chơi có phần mềm cài đặt sẵn được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, nó phải được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiểm tra, kiểm định, dán tem trước khi đưa vào hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, chủ cơ sở kinh doanh trò chơi này phải đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự và một số quy định khác.

Thế nhưng, qua kiểm tra của ngành chức năng ở tỉnh cho thấy, phần lớn cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử bắn cá đều vi phạm như: Kinh doanh sai địa điểm; máy nhập khẩu không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc… Một số cơ sở còn lợi dụng trò chơi này để tổ chức cờ bạc trá hình khiến người thua phải nợ nần, cầm đồ, vay mượn tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi, gây mất an ninh trật tự địa phương.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra 79 cơ sở kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử bắn cá. Qua đó, phát hiện 6 trường hợp có hành vi tổ chức đánh bạc, bắt 13 đối tượng và xử lý hành chính 3 cơ sở với số tiền 27 triệu đồng. 

 Nguyên nhân chính khiến các chủ cơ sở kinh doanh trò điện tử bắn cá phớt lờ các quy định của pháp luật, có phương thức hoạt động tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng là do lợi nhuận mang lại rất lớn.

Theo Công an tỉnh, hiện nay, các cơ sở kinh doanh loại hình này tổ chức quy đổi điểm ở nhiều nơi, hình thức khác nhau nên việc phát hiện, xử lý hành vi đánh bạc trái phép thông qua việc quy đổi xu, điểm thành tiền mặt và ngược lại giữa chủ máy với người chơi rất khó khăn.

Chưa kể là người đứng tên trong giấy phép đăng ký kinh doanh lại không trực tiếp quản lý mà thuê người quản lý, điều hành tổ chức đánh bạc. Do đó khiến lực lượng chức năng khi phát hiện có hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc thì không thể xử lý chủ cơ sở cũng như tịch thu máy bắn cá, mà chỉ có thể xử lý người quản lý và người tham gia đánh bạc.

Hoặc sau khi bị xử lý, chủ cơ sở có thể tiếp tục thuê người khác quản lý và tổ chức các hoạt động cá cược như trước. Nếu có hai hoặc nhiều người tham gia góp vốn kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử bắn cá thì khi xử lý, cơ quan chức năng cũng không thể tịch thu máy bắn cá vì đây được xem là tài sản chung. 

Bà Nguyễn Thu Hường, Trưởng phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp, cho biết: “Để xử lý triệt để vi phạm trong trò chơi điện tử bắn cá thì cần phải có hướng tịch thu, tiêu hủy máy bắn cá tại các cơ sở vi phạm để răn đe. Mặc dù vậy, hiện vẫn còn nhiều luồng ý kiến trong việc xử lý các máy bắn cá giữa các cơ quan chức năng. Trước tình hình đó, Sở Tư pháp đã tổng hợp ý kiến từ các ngành chuyên môn gửi về Bộ Tư pháp để sớm có cơ sở pháp lý trong việc xử lý vấn đề này”.

Còn theo bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Sở Tư pháp, sức hút của trò chơi điện tử bắn cá đã làm cho nhiều thành phần, lứa tuổi, trong đó có không ít học sinh, sinh viên, thanh niên bị cuốn theo phải bỏ học, nợ nần, thậm chí trộm cắp, cướp giật để có tiền chơi, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội.

Để góp phần ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh trò chơi điện tử bắn cá, ngoài việc áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ của ngành chức năng, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm thì phía gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương cần quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục con em, học sinh và người dân không tham gia, tiếp tay mà phải có ý thức phòng tránh tác hại từ loại hình trò chơi nguy hiểm này.

Nghị định 167 của Chính phủ quy định: Người đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng; người có hành vi đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép thì bị phạt từ 5-10 triệu đồng, ngoài ra còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tịch thu tiền do vi phạm hành chính mà có. Không chỉ bị xử lý hành chính, người đánh bạc bằng máy trái phép còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 

 Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>